Chào bạn!
Hành vi của ông Hùng chắc chắn là vi phạm pháp luật, cái này chắc không phải bàn. Nhưng để xác định hành vi đó có phạm tội gì không, hay chỉ bị xử phạt hành chính thôi thì cần căn cứ vào các quy định sau.
Theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP thì động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được chia thành 2 nhóm là nhóm IB và nhóm IIB.
Tại điểm a khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 3 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định:
7. Những hành vi vi phạm sau đây không xử phạt vi phạm hành chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự:
a) Hành vi vi phạm đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (trừ hành vi nuôi động vật nhóm IB trái pháp luật, thì xử lý theo quy định tại Điều 19 Nghị định này).
8. Hành vi vi phạm hành chính tuy đã gây thiệt hại vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, nhưng Bộ luật hình sự không quy định hành vi đó lại tội phạm (trừ các hành vi quy định tại khoản 7 của Điều này), thì áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm đó.
9. Hành vi vi phạm hành chính đối với thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục I, II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhưng không quy định trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, xử lý như sau:
a) Hành vi vi phạm hành chính đối với các loài thuộc Phụ lục I, xử lý hành vi vi phạm như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB.
b) Hành vi vi phạm hành chính đối với các loài trong Phụ lục II, xử lý hành vi vi phạm như đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA, IIB.
Mục 2 Phần II và tiểu mục 4.1 mục 4 Phần IV Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC-TANDTC cũng quy định:
2. Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IIA; động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB là những loại thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.
Đối với các loài động vật rừng không thuộc nhóm IB nhưng thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) thì xử lý như nhóm IB.
4. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190 BLHS)
4.1. “Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ” là việc săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Như vậy, chỉ những hành vi vi phạm đối với động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP và thuộc phụ lục I Công ước CITES mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nữa thì chỉ bị xử lý hành chính.
Theo đó, nếu thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiểu mục 4.3 và 4.4 mục 4 Phần IV Thông tư này quy định hành vi săn bắt... với số lượng cá thể dưới mức tối thiểu "gây hâu quả rất nghiêm trọng" sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 190; từ mức "gây hâu quả rất nghiêm trọng" trở lên sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 190 BLHS.
Theo Phụ lục về xác định số lượng cá thể động vật rừng nguy cáp, quý, hiếm nhóm IB (Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC-TANDTC) thì số lượng cá thể 1 con là dưới mức "gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Như vậy, nếu xác định con thú mà ông Hùng bắt thuộc nhóm IB Nghị định 32 hoặc Phụ lục I Công ước CITES thì ông Hùng sẽ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 190 BLHS (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009), có mức hình phạt là "phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".
Nếu việc bắt thú của ông Hùng diễn ra trong khu vực bị cấm (khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia...) hoặc vào thời gian bị cấm (mùa sinh sản hoặc mùa di cư) thì sẽ bị truy cứu TNHS theo điểm d khoản 2 Điều 190 BLHS, có mức hình phạt là "phạt tù từ 2 năm đến 7 năm".
Nếu xác định con thú không thuộc nhóm IB Nghị định 32 hoặc Phụ lục I Công ước CITES thì ông Hùng sẽ không bị truy cứu TNHS. Mà tùy vào giá trị của con thú sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định 99 nói trên. Mức phạt tổi thiểu là 500.000 đồng, tối đa là 500.000.000 đồng.
Lưu ý:
Điều 190 BLHS 1999 đã được sửa đổi bổ sung. Theo đó cấu thành cơ bản quy định tại khoản một đã thay thế cụm từ "động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ" bằng cụm từ "động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ".
Tuy nhiên, căn cứ vào danh mục... tại Nghị định 32 thì động vật thuộc nhóm IB được coi là được ưu tiên bảo vệ, còn nhóm IIB là nhóm được hạn chế khai thác, sử dụng.
Vì vậy, tuy chưa có văn bản hướng dẫn mới nhưng nội dung hướng dẫn tại Thông tư 19 nói trên vẫn phù hợp. Mặt khác nó cũng chưa bị thay thế, hủy bỏ hay đình chỉ việc thì hành nên vẫn còn hiệu lực pháp luật và được sử dụng để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự theo Điều 190 BLHS đã được sửa đổi, bổ sung.
Bài viết tuy hơi dài, nhưng vì nó liên quan đến nhiều quy định nên không thể khác hơn. Bạn chịu khó đọc cũng thấy dễ hiểu thôi.
Trân trọng!
Cập nhật bởi BachThanhDC ngày 29/03/2011 09:29:23 PM
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!