Chào bạn.
Xin được phép trao đổi thêm với bạn một số nội dung sau:
Thặng dư cổ phần chỉ xuất hiện khi công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu (và/hoặc bán cổ phiếu quỹ) nhằm huy động thêm vốn kinh doanh.
Theo nghĩa nêu trên, nếu một công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu để bổ sung vốn, với giá bán là 12.000 đồng, mệnh giá 10.000 đồng, thặng dư cổ phiếu sẽ là 2.000 đồng. Theo quy định kế toán hiện hành, thặng dư cổ phiếu, tuy nằm trong phạm trù vốn chủ sở hữu, nhưng phải ghi tách riêng với vốn điều lệ.
Khi số tiền hoặc tài sản (được đánh giá theo giá hợp lý) được các cổ đông đầu tư vào công ty dưới hình thức mua cổ phiếu cao hơn mệnh giá do công phát hành và bán, thì phần giá trị bằng mệnh giá cổ phiếu của chúng được ghi tăng vốn góp; và phần giá trị cao hơn mệnh giá được ghi tăng khoản vốn góp trội hơn mệnh giá (thặng dư vốn cổ phần).
Ví dụ:
Nợ TK 111, 112...: Trị giá tiền hoặc tài sản thực góp theo giá trị thực tế
Có TK 4111: Nguồn vốn kinh doanh (trị giá tiền hoặc tài sản thực góp theo mệnh giá cổ phiếu)
Có TK 4112: Thặng dư vốn cổ phần (phần vốn góp trội hơn mệnh giá cổ phiếu)
Vì thặng dư cổ phiếu không phải là lãi, mà là một phần vốn, do đó không thể chia, mà phải để lại cho c.ty và hạch toán riêng vào tài khoản thặng dư cổ phiếu.
Trong trường hợp này, chia đồng nghĩa với giảm vốn, trái với mục tiêu phát hành thêm cổ phiếu. Tuy không được chia, nhưng thặng dư cổ phiếu (và các quỹ tích lũy đã trích) lại có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ.
Ví dụ: một công ty cổ phần có vốn điều lệ ban đầu 1 tỉ đồng, chia thành 100.000 cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng. Sau ba năm hoạt động công ty đã trích lãi sau thuế lập các quỹ tích lũy là 0,6 tỉ.
Do nhu cầu tăng vốn, công ty đã phát hành thêm 100.000 cổ phiếu mới mệnh giá vẫn là 10.000 đồng. Sau khi phát hành thêm, công ty có 2 tỉ vốn điều lệ, 0,6 tỉ quỹ tích lũy và 1,4 tỉ đồng thặng dư cổ phần.
Tổng số vốn chủ sở hữu lên tới 4 tỉ đồng. Công ty có thể làm thủ tục tăng vốn điều lệ lên 4 tỉ bằng cách chuyển tất cả các quỹ thành vốn điều lệ.
Và để giữ mệnh giá ở mức 10.000 đồng, công ty phải có 400.000 cổ phiếu. Có nghĩa là phải phát hành thêm 200.000 cổ phiếu mới không thu tiền cho mọi cổ đông theo tỷ lệ 1 : 1 (mỗi cổ phiếu cũ được phát không một cổ phiếu mới).
Thủ tục tăng vốn điều lệ này thực chất chỉ là điều chỉnh lại số liệu về nguồn vốn trên sổ kế toán và báo cáo tài chính. Tổng số vốn (tài sản) công ty thực tế đang sử dụng không vì thế mà tăng thêm.
Và nếu hiệu quả kinh doanh cũng không tăng thì tổng số lãi thu được cũng không thể tăng. Nhưng do số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi, nên lãi chia cho mỗi cổ phiếu sẽ giảm một nửa.
Tuy nhiên cổ tức của cổ đông không giảm vì họ đã có số cổ phiếu tăng gấp đôi.
Nếu việc kết chuyển thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ của công ty bạn thỏa các điều kiện theo quy định tại điểm 2 mục A phần II Thông tư số: 19/2003/TT-BTC (như đã trao đổi ở thư trước), thì phần chênh lệch 2.000đ/CP so với mệnh giá và đưa vào thặng dư vốn cổ phần là phù hợp pháp luật. Vấn đề còn lại là bạn xem công ty đã định giá CP có hợp lý hay chưa mà thôi.
Thân ái chào bạn.
Ls. DANG THANH LIEM