Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin đưa ra ý kiến để bạn tham khảo như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 15 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Như vậy, pháp luật không có quy định bắt buộc tổ chức tín dụng phải áp dụng một biện pháp bảo đảm tiền vay nào đối với khoản cho vay. Đồng nghĩa với việc, tổ chức tín dụng là ngân hàng có thể cho bạn vay ngay cả khi không có tài sản bảo đảm hoặc có sử dụng biện pháp bảo đảm như hình thức thế chấp thì mức cho vay cũng sẽ không phụ thuộc vào giá trị tài sản thế chấp. Do đó, với giá trị nhà đất như bạn đã đưa ra thì ngân hàng sẽ thẩm tra, định giá tài sản thế chấp và bạn có thể được ngân hàng cho vay nhiều hơn cả giá trị tài sản thế chấp đó.
Tuy nhiên trên thực tế, để có thể vay tiền ở ngân hàng bạn phải đáp ứng được tất cả các điều kiện vay vốn, nhu cầu sử dụng vốn vay. Khi đó, ngân hàng sẽ căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của bạn, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của ngân hàng để thỏa thuận với bạn về mức cho vay. Hiện nay, đối với các khoản vay tiêu dùng thông thường, đa số các ngân hàng thường cho vay với mức tối đa không quá 70% giá trị tài sản thế chấp.
NGUYỄN HẲNG NGA
CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 899. 888 – E: luatvietkim@gmail.com
Ad: Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN