Gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh khá nhiều vụ vay tiền không trả, khi cơ quan tố tụng xử lý người vay về tội lừa đảo thì gây nhiều tranh cãi.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, bàn về chuyện khi nào thì hành vi vay tiền không trả bị coi là phạm tội.
Điểm chung của các vụ này là bên đi vay đều dùng thủ đoạn gian dối nhằm vay được tiền nhưng ý thức chiếm đoạt lại không rõ. Hướng xử lý của cơ quan tố tụng không thống nhất, có nơi khởi tố, có nơi lại xác định là quan hệ dân sự.
Bài học “hình sự hóa quan hệ dân sự”
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi hàng loạt các quỹ tín dụng bị vỡ nợ, các cơ quan tố tụng lúc bấy giờ đã khởi tố, truy tố, xét xử hàng trăm vụ án liên quan đến “vỡ nợ” quỹ tín dụng về các tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, sau đó các cơ quan tố tụng đã tiến hành tổng kết về việc xử lý hình sự đối với các trường hợp vay, mượn liên quan đến các quỹ tín dụng bị vỡ và phát hiện có nhiều trường hợp đã “hình sự hóa các quan hệ pháp luật dân sự”. Ngoài việc tiến hành giám đốc thẩm, minh oan cho những người bị “hình sự hóa”, các cơ quan tố tụng cũng rút được bài học bổ ích trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử loại án này.
Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân nên cho đến nay các ngành tố tụng chưa ban hành được một thông tư liên tịch hoặc nghị quyết hướng dẫn thế nào thì coi là phạm tội, trường hợp nào chỉ là quan hệ dân sự trong các hợp đồng vay, mượn tài sản. Hiện nay tình trạng “hình sự hóa dân sự” tuy không phổ biến nhưng nó lại được tái hiện ở một số địa phương và gây nhiều tranh cãi, bởi còn có ý kiến trái ngược nhau về việc xác định đâu là quan hệ pháp luật dân sự, đâu là hành vi phạm tội.
|