Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm là gì? NLĐ có bị đuổi việc nếu vi phạm nội quy công ty không?

Chủ đề   RSS   
  • #615898 31/08/2024

    hieu2421999

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:15/12/2023
    Tổng số bài viết (16)
    Số điểm: 80
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm là gì? NLĐ có bị đuổi việc nếu vi phạm nội quy công ty không?

    Ngày nay, trong mọi công việc đều sẽ có những người làm nhiệm vụ quản lý, giám sát. Nếu không có những người này thì rất khó để những người khác có thể làm việc mà vẫn tuân thủ theo đúng nguyên tắc đề ra. Điều này được nhắc đến trong câu tục ngữ "Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm".

    1. Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm là gì?

    Vậy câu tục ngữ "vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm" có nghĩa là gì? Câu tục ngữ vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” được chia làm 2 vế câu, vế đầu tiên là cụm từ “Vắng chủ nhà” và vế thứ hai là “Gà vọc niêu tôm”.

    Theo đó, nghĩa đen của câu tục ngữ này là khi chủ nhà vắng nhà nên không có chủ nhà trông coi, lúc đó con gà tha hồ mà vọc niêu tôm. Còn với nghĩa bóng thì câu tục ngữ này có nghĩa là gia đình mà không có cha mẹ quản lý thì con cái sẽ dễ trở nên hư hỏng, hoặc trong công việc nếu không có người quản lý thì nhân viên rất dễ vi phạm những nguyên tắc, nội quy trong công việc dẫn đến mọi chuyện trở nên lộn xộn, khó khăn hơn.

    Như vậy, câu tục ngữ "Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm" muốn nói với chúng ta rằng khi không có sự quản lý, con người dễ dàng trở nên lơ là, thiếu kỷ luật và làm những việc mà bình thường họ không dám làm. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

    Ví dụ:

    Trong gia đình: Khi bố mẹ đi vắng, các con có thể tự do xem tivi đến khuya, ăn uống không đúng giờ giấc.

    Ở trường học: Khi giáo viên vắng lớp, học sinh có thể nói chuyện riêng, không chú ý nghe giảng.

    Trong công ty: Khi sếp đi công tác, nhân viên có thể làm việc chậm chạp, không hoàn thành đúng tiến độ.

    Qua đó, câu tục ngữ này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của kỷ luật và sự tự giác. Dù có hay không có người giám sát, chúng ta vẫn nên cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình và tuân thủ các quy định chung.

    2. NLĐ có bị đuổi việc nếu vi phạm nội quy công ty không?

    Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì công ty được phép sa thải người lao động nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

    - Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

    - Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

    - Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật;

    - Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

    Trong đó lý do chính đáng là những lý do bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

    Như vậy, người lao động nếu có những hành vi vi phạm nêu trên được quy định trong nội quy công ty thì sẽ bị đuổi việc. Khi bị đuổi việc do thuộc vào một trong những trường hợp nêu trên thì người lao động sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc, đồng thời phải có nghĩa vụ:

    - Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

    - Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo

    (Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019).

    Ta có thể thấy, nếu không có người quản lý, giám sát thì rất có thể người lao động sẽ rất dễ làm trái với quy định của công ty. Điều đó gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của công ty, cũng như người lao động sẽ có thể bị mất việc làm. 

    Câu tục ngữ "vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm" đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một người quản lý, đồng thời cũng muốn nhắn nhủ với người lao động rằng dù có hay không người đang quản lý, giám sát thì người lao động vẫn luôn phải hoàn thành tốt công việc và chấp hành đúng kỷ luật, nội quy công ty.

     
    172 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận