Ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1123/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Quyết định 1123/QĐ-NHNN quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn: 4,5%/năm.
So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,0%/năm.
- Lãi suất tái chiết khấu: 3,0%/năm.
So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 3,0%/năm.
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5,0%/năm.
So với quy định hiện hành, mức lãi suất giảm 0,5%. Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,5%/năm.
Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023
Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023
Tham khảo:
Lãi suất tái cấp vốn là gì?
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:
- Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;
- Chiết khấu giấy tờ có giá;
- Các hình thức tái cấp vốn khác.
Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất ngân hàng nhà nước áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại
Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.
Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Lãi suất tái cấp vốn khác gì so với lãi suất tái chiết khấu?
Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, được áp dụng dưới hình thức tái chiết khấu.
Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải thích cụm từ cấp tín dụng, chiết khấu và tái chiết khấu như sau:
Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.
Giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có sự khác biệt như sau:
- Về đối tượng áp dụng:
+ Lãi suất tái chiết khấu: Các giấy tờ có giá.
+ Lãi suất tái cấp vốn: Các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại.
- Về tài sản thế chấp:
Tài sản thế chấp đều là giấy tờ có giá, nhưng lãi suất tái chiết khấu áp dụng với các giấy tờ có giá có độ rủi ro thấp hơn như: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ,…
Còn lãi suất tái cấp vốn áp dụng đối với các giấy tờ có giá có độ rủi ro cao hơn trái phiếu Chính quyền địa phương.
Xem chi tiết tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023.
Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023
Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023