Khi thành lập văn phòng đại diện, một số doanh nghiệp sẽ quan tâm vấn đề về nộp lệ phí môn bài và thuế giá trị gia tăng. Theo đó:
- Về lệ phí môn bài:
Tại Khoản 1 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 2. Người nộp lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
[...]
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
[...]”
=> Như vậy, văn phòng đại diện thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài.
- Về thuế giá trị gia tăng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
[...]
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
[...]”.
Và Điều 4 Luật thuế giá trị gia tăng 2008:
“Điều 4. Người nộp thuế
Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).”
=> Theo quy định trên, văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh nên không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 4 Luật thuế giá trị gia tăng 2008. Vì vậy văn phòng đại diện không cần phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng.