Vẫn muốn tăng lương tối thiểu vùng?

Chủ đề   RSS   
  • #402387 13/10/2015

    Vẫn muốn tăng lương tối thiểu vùng?

    Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI) trao đổi với báo giới xung quanh một số đề xuất mới về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trong đầu tháng 10.

    Trong khi đó, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất là 12,4 % hôm 3/9.

    Thưa ông, tại sao một số hiệp hội lại tiếp tục kiến nghị điều chỉnh mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 6-7 %. Trong khi trước đó, hôm 3/9 Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức 12,4 %?

    Việc các phát biểu là quyền của một số cá nhân và hiệp hội. Còn nguyên tắc chính vẫn phải tuân thủ quyết định của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Lý do, Hội đồng tiền lương là cơ quan chính thức mà các bên đưa ra thảo luận.

    Khi đã thống nhất mức đề xuất, các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia phải tôn trọng quyết định của Chủ tịch Hội đồng tiền lương. Nếu phát biểu khác đi với ý đó thì sẽ không tôn trọng nguyên tắc, định chế và nội quy làm việc của Hội đồng tiền lương Quốc gia.

    Theo tôi, nguyên nhân sâu xa bởi cách làm hiện nay mới chỉ bắt đầu ở phần “ngọn” chứ không phải “gốc”.

    Ông vừa nhắc tới phần “ngọn” của vấn đề xây dựng lộ trình lương tối thiểu. Vậy, VCCI sẽ có ý tưởng bắt đầu từ “gốc” ra sao, thưa ông?

    Với cách thảo luận ở phần “ngọn” chứ không phải “gốc”, các bên đang không cùng nhau đưa ra các tiêu chí chung cũng như thực hiện nghiên cứu, khảo sát ngay từ ban đầu.

    Hậu quả là VCCI chỉ dùng kết quả khảo sát doanh nghiệp, công đoàn thì tập trung kết quả khảo sát từ công nhân. Quan điểm hai bên khó gặp nhau và thương lượng không biết lúc nào chấm dứt.

    Trong lộ trình tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, VCCI mạnh dạn đề nghị cơ chế mới giải quyết tận gốc vấn đề về tăng lương tối thiểu.

    Theo đó, ngay từ đầu năm 2016, VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB&XH phải cử đội chuyên gia trong Hội đồng Tiền lương quốc gia cùng thống nhất nguyên tắc, khung chương trình và tiêu chí khảo sát khảo sát đời sống người lao động, thực trạng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội…

    Quá trình khảo sát sẽ thực hiện trong khoảng 6 tháng. Sau đó, các bên cùng đưa ra kết quả khảo sát và khuyến nghị. Khuyến nghị đó phải phản ánh nguyện của các bên và sẽ được thống nhất.

    Để đến tháng 9, Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra kết luận chính thức và các bên sẽ không đưa ra các ý kiến trái chiều nữa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước đã làm và giúp các bên cùng đạt được kỳ vọng trong đàm thán theo nguyên tắc win - win.

    Theo Tổng LĐLĐ VN, Bộ LĐ-TB&XH đã có những cam kết thực hiện đầy đủ Điều 91 Luật Lao động vào năm 2017, trong đó có nội dung lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Ý kiến của VCCI về điều này ra sao?

    Còn nhiều tranh cãi về cách xác định mức sống tối thiểu. Ngành công đoàn và VCCI phải có 1 cơ chế làm việc với nhau, cử ra các chuyên gia độc lập để cùng đánh giá tiêu chí, định nghĩa về mức sống tối thiểu, lương tối thiểu. Khi hai cơ quan thống nhất rồi, chúng ta mới có thể làm được. Đó là cách làm từ “gốc”.

    Hiện, chúng ta đang làm theo phần “ngọn”, bỏ qua giai đoạn đầu. Ngành công đoàn nói mức này là hợp lý, VCCI nói mức kia là hợp lý. Như thế cứ tranh cãi với nhau và không có hồi kết.

    Vì vậy, từ đầu năm tới, tôi đề nghị đại diện doanh nghiệp và công đoàn phải cùng nhau xác định rõ vấn đề này. Ở các nước khác, việc này đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Chúng ta chưa thực hiện được điều này, gây nên tranh cãi nhiều năm không có hồi kết.

    Nguồn: Dân trí

     
    3848 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận