Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, tùy vào khả năng vốn mà công ty bạn có thể lựa chọn các hình thức:
(1) hợp tác qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty A;
(2) mua lại công ty A qua hình thức mua lại phần vốn góp để sở hữu công ty đó.
Luật sư sẽ phân tích cho bạn đặc điểm của từng hình thức để bạn tham khảo:
Với hình thức (1): Hai bên công ty vẫn tồn tại độc lập, quyền nghĩa vụ của các bên phát sinh theo hợp đồng hợp tác, mỗi bên sẽ góp tiền vốn/công nghệ/đường lối kinh doanh/nguồn vốn khác để cùng tiến hành đầu tư một dự án kinh doanh cụ thể, theo đó nêu rõ tỷ lệ/thời gian phân chia lợi nhuận, xử lý lỗ. Hết thời hạn hợp tác mà các bên không ký lại hoặc gia hạn hợp đồng hợp tác thì việc hợp tác chấm dứt. Việc hạch toán lãi/lỗ được hai bên hạch toán độc lập.
Với hình thức này, công ty bạn không phải đầu tư vốn. Các hợp đồng hai bên cùng ký với tư cách liên danh với nhau sẽ cùng được hai bên tổ chức thực hiện.
Thủ tục thực hiện: các bên giao kết hợp đồng và tổ chức thực hiện.
Với hình thức (2): Căn cứ loại hình công ty A là công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn mà công ty của bạn sẽ đầu tư mua lại phần vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông của công ty A để nắm quyền sở hữu công ty A. Khi đó, công ty A buộc phải chuyển loại hình thành công ty TNHH MTV cho tổ chức là chủ sở hữu (công ty của bạn). Về hạch toán, việc mua lại doanh nghiệp A được hạch toán là vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của công ty bạn, lãi/lỗ của hai doanh nghiệp được hạch toán độc lập trên sổ sách kế toán.
Thực hiện theo phương án này, hồ sơ năng lực của công ty của bạn sẽ được bổ sung thêm danh sách công ty B là công ty thành viên do công ty bạn sở hữu 100% vốn. Việc này cũng thể hiện năng lực tài chính của công ty bạn dồi dào tạo ra thế mạnh, lợi thế cạnh tranh.
Thủ tục thực hiện: công ty bạn liên hệ với các chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp A để mua lại và hoàn thành thủ tục bằng việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty A tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Trân trọng./.