Văn bản tiếng nước ngoài có được chứng thực bản sao? Có phải dịch trước khi chứng thực?

Chủ đề   RSS   
  • #616676 23/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 22918
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 480 lần
    SMod

    Văn bản tiếng nước ngoài có được chứng thực bản sao? Có phải dịch trước khi chứng thực?

    Văn bản tiếng nước ngoài có được chứng thực bản sao không? Nếu được thì có phải dịch văn bản tiếng nước ngoài ra tiếng Việt trước khi chứng thực không?

    Văn bản tiếng nước ngoài có được chứng thực bản sao? 

    Theo Điều 18, khoản 1 Điều 20, Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

    Thứ nhất, giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính bao gồm:

    - Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

    - Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

    Thứ hai, về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính thì người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực. Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

    Thứ ba, các bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao bao gồm:

    - Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

    - Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

    - Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

    - Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

    - Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

    - Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

    Từ các căn cứ trên, có thể thấy hiện nay pháp luật không cấm việc chứng thực bản sao văn bản tiếng nước ngoài, miễn văn bản đó đáp ứng các yêu cầu theo quy định như là văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc do cá nhân tự lập nhưng được xác nhận và đóng dấu,  được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật (trừ khi được miễn) và không thược các trường hợp không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.

    Như vậy, văn bản tiếng nước ngoài vẫn được chứng thực bản sao.

    Có phải dịch văn bản tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trước khi chứng thực?

    Theo Điều 19 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực bản sao và người thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính như sau:

    - Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao; không được yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.

    - Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính.

    Đồng thời, các quy định hiện hành về chứng thực bản sao từ bản chính không quy định việc dịch giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trước khi thực hiện chứng thực bản sao.

    Như vậy, hiện nay pháp luật không yêu cầu người chứng thực bản sao và người thực hiện chứng thực bản sao phải dịch văn bản tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trước khi chứng thực. Tuy nhiên, người thực hiện chứng thực vẫn có thể yêu cầu dịch để đảm bảo an toàn cho hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính nếu có nhu cầu.

    Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản gốc tiếng nước ngoài?

    Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực, trong đó có các cơ quan sau đây có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản gốc tiếng nước ngoài:

    - Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:

    + Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

    + Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

    - Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc sau đây và viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

    + Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

    + Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

    Như vậy, cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản gốc tiếng nước ngoài là Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

     
    249 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận