Văn bản công chứng chứng thực có giá trị bao lâu?

Chủ đề   RSS   
  • #612548 10/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 21634
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 442 lần
    SMod

    Văn bản công chứng chứng thực có giá trị bao lâu?

    Công chứng, chứng thực là những thủ tục cần thiết trong đời sống hằng ngày mà người dân thường xuyên thực hiện. Vậy, văn bản công chứng chứng thực có giá trị bao lâu? 

    Văn bản công chứng chứng thực có giá trị bao lâu?

    Theo Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:

    - Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

    - Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

    - Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

    - Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

    Đồng thời, theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định như sau:

    - Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    - Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    - Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

    - Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

    Như vậy, theo quy định hiện hành không có quy định về thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng, chứng thực. 

    Văn bản công chứng có thời hạn bao lâu phụ thuộc vào thoả thuận của các bên trong nội dung văn bản hoặc có thể hiểu là vô thời hạn khi các bên không có thỏa thuận khác, pháp luật không có quy định khác. Có thể kể đến hiệu lực của một số văn bản công chứng như sau:

    - Hợp đồng uỷ quyền: Hiệu lực theo thoả thuận của các bên. Nếu không có thoả thuận và pháp luật cũng không có quy định thì hiệu lực của hợp đồng uỷ quyền là 01 năm.

    - Hợp đồng thuê nhà: Thời hạn hợp đồng thuê nhà theo thoả thuận của các bên.

    Tương tự, bản sao chứng thực cũng không không quy định giá trị sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp, căn cứ vào bản chính mà có các thời hạn với bản sao chứng thực sau đây:

    - Vô thời hạn: Thời hạn trong các trường hợp thông thường khi bản chính cũng không có thời hạn trừ trường hợp bản chính bị huỷ bỏ, thu hồi... Như bảng điểm, bằng cử nhân…

    - Có thời hạn nhất định: Bản chính là các loại giấy tờ có thời hạn thì thời hạn của bảo sao chứng thực cũng có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng. 

    Xem thêm: Mức thu phí công chứng, chứng thực mới nhất 2024 là bao nhiêu?

    Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng?

    Theo Điều 7 Luật Công chứng 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 73 Luật Giá 2023 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng bao gồm:

    Đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng:

    - Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

    - Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

    - Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

    - Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng; sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

    - Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức có liên quan;

    - Ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;

    - Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng;

    - Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình;

    - Tổ chức hành nghề công chứng mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký;

    - Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác;

    - Công chứng viên tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, giao dịch mà mình nhận công chứng;

    - Vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

    Đối với người yêu cầu công chứng:

    - Giả mạo người yêu cầu công chứng;

    - Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng;

    - Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực;

    - Cản trở hoạt động công chứng.

    Theo đó, đây là những hành vi bị cấm trong hoạt động công chứng đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng. Nếu các đối tượng này vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

     
    244 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    HuyenVuLS (18/09/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận