Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ nào?

Chủ đề   RSS   
  • #604489 03/08/2023

    Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ nào?

     Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

    1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ nào?

    - Từ Nghị định 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương, và Nghị định 03/2023/NĐ-CP, có thể rút ra rằng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Commission, viết tắt là VCC) là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
     
    - Theo Luật Cạnh tranh năm 2018, cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh có một số đặc điểm sau:
     
    +/ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ được tổ chức dưới danh nghĩa là cơ quan thuộc Bộ Công thương; nghĩa là cơ quan này có chức năng gần như một cơ quan giúp việc của Bộ trưởng Bộ Công thương trong các vấn đề về quản lý cạnh tranh. 
     
    +/ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoạt động dưới danh nghĩa một cơ quan “bán tư pháp”; nghĩa là vừa có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa có trách nhiệm điều tra để xử lý, giải quyết khiếu nại về cạnh tranh và xử phạt các hành vi liên quan đến vi phạm quy định về cạnh tranh đồng thời còn có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của chính mình. 
     
    +/ Vị thế pháp lý của cơ quan quản lý cạnh tranh có phần giảm bớt khi hợp nhất trở thành cơ quan thuộc Bộ Công thương. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến quá trình giải quyết các vụ việc cạnh tranh khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần đến sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan khác trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước.

    2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

    Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được pháp luật quy định như sau:
     
    - Thứ nhất, về tố tụng cạnh tranh: Phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh; Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh; Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
     
    - Thứ hai, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký, đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật; Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; Giám sát việc thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
     
    - Thứ ba, về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; Kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; Tổ chức kiểm tra, cấp, thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bản hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; Giải quyết thủ tục rút tiền ký quỹ, thủ tục sử dụng tiền ký quỹ; Thu, nộp, kê khai, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật;
     
     Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn phối hợp với các cơ quan khác, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ Công thương giao.
     
    355 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận