Việc tuyển dụng lao động luôn được pháp luật bảo vệ về tính bình đẳng nhất là trong vấn đề giới tính. Tuy nhiên, trong nhiều thông báo tuyển dụng lao động chỉ tuyển dụng nam hoặc nữ thì đây có phải là phân biệt đối xử?
1. Phân biệt trong tuyển dụng lao động quy định ra sao?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định việc phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên các đặc điểm sau của người lao động như:
- Chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi.
- Tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV.
- Hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
2. Phân biệt đối xử là hành vi bị nghiêm cấm trong Hiến pháp
Tại Điều 35 Hiến pháp 2013 có quy định nghiêm cấm việc cá nhân, tổ chức lao động phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động và sử dụng lao động dưới độ tuổi cho phép như sau:
- Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
- Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
- Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Do đó, tại Hiến Pháp nước Việt Nam bảo vệ quyền lợi, công bằng trong lao động đối với công dân.
Đồng thời tại khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên.
Ngoài ra, hành vi phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 9 Luật Việc làm 2013.
3. Phân biệt đối xử trong tuyển dụng bị xử phạt ra sao?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt đối với cá nhân vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động như sau:
Cụ thể, phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định.
- Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.
Lưu ý: Tổ chức vi phạm quy định trên có thể bị xử phạt gấp 02 lần.
Như vậy, việc tuyển dụng chỉ yêu cầu tuyển nam hoặc nữ chính là hành vi vi phạm phân biệt đối xử và có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.