Tuyên bố mất tích và trách nhiệm quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Chủ đề   RSS   
  • #604853 18/08/2023

    Tranxuandung991994
    Top 150
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/09/2018
    Tổng số bài viết (496)
    Số điểm: 8990
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 85 lần


    Tuyên bố mất tích và trách nhiệm quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

    Mất tích có thể hiểu là tình trạng một người không còn xuất hiện ở nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định mà những người khác không thể liên lạc với người đó mặc dù đã dùng nhiều cách khác nhau. Vậy khi nào một người được tuyên bố là mất tích và tài sản của họ được quản lý như thế nào?

    1. Khi nào được tuyên bố một người mất tích?

    Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    - Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

    Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

    - Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

    - Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

    2. Quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

    Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật Dân sự tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật Dân sự.

    Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

    3. Hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích

    Việc hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

    - Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

    - Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.

    Tuy nhiên, trường hợp người mất tích trở về mà trước đó vợ hoặc chồng của người mất tích đã được cho ly hôn với họ thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.

    Ngoài các quy định trên thì theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là người mất tích còn sống thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người mất tích đã chết.

    Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

     
    121 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận