“Giặc lửa” vẫn luôn là mối lo ngại đối với đời sống của người dân trong cuộc sống hàng ngày, với thời tiết của vùng nhiệt đới như Việt Nam là điều kiện thích hợp và rất dễ dẫn đến cháy nổ. Điều này gây ra thiệt hại về người và của rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân.
Thời gian gần đây nhiều vụ cháy nổ diễn ra mà hậu quả rất lớn, nhất là các quán karaoke, vũ trường hay những nơi kinh doanh dịch vụ có không gian kín, chật hẹp mà dễ cháy.
Đặc biệt là các quan karaoke nơi sử dụng nguồn điện cao áp lớn mới có thể vận hành đủ công suất hoạt động, vì vậy không ít cơ sở kinh doanh đã tự ý lắp đặt thêm nguồn điện cho quán mà không được thông báo và kiểm định của lực lượng chức năng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao, vậy hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Đảm bảo các tiêu chuẩn về sử dụng điện
Theo Điều 5 Phụ Lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP về danh mục cơ sở do cơ quan công an quản lý bao gồm nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000 m3 trở lên; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
Trong đó, có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là đối tượng được quản lý trực tiếp vì vậy phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Xử phạt cơ sở karaoke có hành vi tự ý lắp đặt nguồn điện
Nhằm ngăn ngừa và thực hiện công tác PCCC được đảm bảo theo quy định lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke trong thời gian này. Đặc biệt là ra quyết định xử phạt đối với chủ cơ sở kinh doanh karaoke là cá nhân có hành vi vi phạm quy định về PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện tại Điều 36 nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Thay đổi thiết kế hoặc thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị sử dụng điện không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
(2) Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ.
Không có hoặc không bảo đảm nguồn điện dự phòng cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật.
(3) Phạt tiền từ 15 triệu - 25 triệu đồng đối với hành vi không lắp đặt các hệ thống, thiết bị điện phục vụ yêu cầu PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Tổ chức có hành vi vi phạm tương tự mức phạt gấp 02 lần.
Ngoài ra, buộc lắp đặt hệ thống điện phục vụ yêu cầu PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với hành vi vi phạm quy định tại mục (3).
Như vậy, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo các yêu cầu về lắp đặt và sử dụng điện theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm thực hiện đúng các quy định về PCCC. Cơ sở karaoke nào muốn thay đổi kết cấu hệ thống điện phải thông báo với cơ quan công an để có phương án phù hợp hơn, trường hợp tự ý thay đổi có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.