Theo vnexpress.net, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án điều tra dấu hiệu làm giả tài liệu cơ quan tổ chức tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên theo đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vậy trong trường hợp nếu thực sự làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì bị xử lý thế nào?
Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức có thể được hiểu là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.
Theo quy định tại khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017 quy định:
“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.”
Nếu phạm tội với các tình tiết tăng nặng và nghiêm trọng hơn thì có thể bị phạt tù đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Riêng đối với trường hợp của Tập đoàn Trung Nguyên, việc khởi tố điều tra vụ án làm giả tài liệu cơ quan có thể phát sinh nhiều tình tiết bất ngờ. Hành vi làm giả giấy tờ này được thực hiện bởi một hay nhiều cá nhân thì phải đợi kết quả từ cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu hành vi trên được thực hiện bởi nhiều cá nhân, thì ngoài việc xác định ai là chủ mưu thì các đối tượng còn lại có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 quy định về đồng phạm.
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó (Điều 58 Bộ luật hình sự 2015).
Cập nhật bởi ThK_Law ngày 29/04/2020 10:19:55 SA