Từ vụ cha con “Đại gia điện gió”: Phản cung là gì? Bị cáo phản cung phải chịu hậu quả gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610064 29/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28222
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 595 lần
    SMod

    Từ vụ cha con “Đại gia điện gió”: Phản cung là gì? Bị cáo phản cung phải chịu hậu quả gì?

    Ngày 28/03/2024, Tòa án tỉnh Cà Mau xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan ông Tô Hoài Dân - ông Chủ điện gió và nhà máy rác ở Cà Mau, Bạc Liêu. Ba bị cáo trong vụ án là ông Tô Hoài Dân, Tô Công Lý (con trai ông Dân) và Nguyễn Bá Đam. Đáng chú ý, khi vẫn đang ở phần hỏi, cả 3 bị cáo đã thể hiện phản cung toàn diện. Vậy phản cung là gì? Bị cáo phản cung phải chịu hậu quả thế nào?

    (1) Phản cung là gì?

    Thực chất, không có văn bản pháp luật hình sự hay tố tụng hình sự nào có định nghĩa về “phản cung”. Tuy nhiên, theo Từ điển Luật học được biên soạn bởi Viện Khoa học Pháp lý - Bộ tư pháp trang 364 có giải thích về phản cung như sau:

    “Phản cung là việc người bị tạm giữ, bị can hoặc bị cáo đưa ra lời khai lần sau ngược lại phủ nhận lời khai lần trước. Phản cung có thể do ngoan cố hoặc do bị xúi giục, mua chuộc, bị ép buộc, khống chế, nhưng cũng có thể do bị oan, sai. Khi gặp trường hợp phản cung, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ hệ thống các chứng cứ của vụ án để kết luật chính xác về lời khai của người bị tạm giữ, bị can hoặc bị cáo.”

    Theo đó, có thể hiểu phản cung là việc bị can, bị cáo đưa ra lời khai lần sau ngược lại hoàn toàn, phủ nhận một phần hay toàn bộ lời khai trước đó đã cung cấp trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự. Trường hợp phủ nhận toàn bộ còn thường được gọi là “phản cung toàn diện”.

    Thông thường, phản cung có thể do bị xúi giục, mua chuộc, khống chế. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp bị can, bị cáo phản cung do ngoan cố, trốn tránh trách nhiệm hoặc bị oan sai.

    (2) Bị cáo phản cung phải chịu hậu quả gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

    “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:  

    a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; 

    s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;”

    Theo đó, trường hợp bị cáo trong quá trình xét xử phản cung có sự phản cung, tức có sự không nhất quán trong lời khai sẽ có thể bị Tòa án xem là “quanh co chối tội” và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự kể trên của bị cáo rất có thể sẽ không được Tòa án xem xét khi đưa ra bản án cuối cùng.

    (3) Trường hợp phản cung của cha con “Đại gia điện gió”

    Đến phiên Tòa xét xử ngày hôm nay, 29/03/2024, đại diện Viện Kiểm Sát cho rằng “không có cơ sở chấp nhận” lời phản cung của các bị cáo. Bởi ngoài các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung của điều tra viên, còn có nhiều bản tự khai do chính các bị cáo viết. Đồng thời, trong số các biên bản nêu trên, có những biên bản ghi lời khai được tiến hành khi các bị cáo chưa bị khởi tố bị can, chưa bị tạm giam. 

    Bên cạnh đó, trong giai đoạn điều tra, bị cáo Dân đã có Công văn gửi VKSND Tối cao về việc thay đổi lời khai. Nhưng sau đó, khi làm việc lại với Kiểm Sát Viên, bị cáo cho rằng Công văn nêu trên do Luật sư hướng dẫn, soạn thảo và vì tin tưởng Luật sư nên bị cáo đã ký mà không đọc kỹ nên bị cáo đề nghị được giữ nguyên lời khai với cơ quan điều tra Bộ Công an.

    Từ những lập luận nêu trên, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan sai. Mức án mà VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt với bị cáo Tô Công Lý từ 12 đến 13 năm tù; bị cáo Tô Hoài Dân từ 7 đến 8 năm tù và bị cáo Nguyễn Bá Đam từ 7 đến 8 năm tù, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

     
    360 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận