Phẫu thuật thẩm mỹ là một phương pháp làm đẹp khá thịnh hành hiện này. Tuy nhiên, phương pháp này cũng mang nhiều tiềm ẩn và mối nguy hiểm. Bởi lẽ trong quá trình phẫu thuật đòi hỏi nhiều vào chuyên môn của bác sĩ và nhiều yếu tố khác nữa.
Điển hình nhiều vụ đáng tiếc xảy ra như để lại biến chứng cho hay nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Vậy trong trường hợp này, đối tượng nào phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật và mức xử phạt là bao nhiêu?
Hiện trạng
Trong cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu CBNData, hơn 80% người tiêu dùng Gen Z tại châu Á bày tỏ mức độ lo lắng rất cao về ngoại hình. Họ cũng có hiệu ứng tâm lý chi tiền mạnh tay cho những món đồ và dịch vụ xa xỉ, bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ hay để ăn mừng sau khoảng thời gian phong tỏa...
Phẫu thuật thẩm mỹ là cụm từ không còn xa lạ đối với các tín đồ làm đẹp hiện nay, bởi nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, không chỉ riêng nữ giới mà kể cả nam giới. Mặc dù trước đây, phẫu thuật thẩm mỹ đã phổ biến ở nước ta, tuy nhiên hiện nay còn phát triển hơn.
Song song với sự phát triển đó cũng tiềm tàng nhiều mối lo ngại. Số liệu cụ thể từ TP.HCM cho biết, thành phố hiện có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nghịch lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, tính mạng của những người có nhu cầu chính đáng là làm đẹp.
Theo đó, nhiều cơ sở chui, không có giấy phép, hay bác sĩ không có chuyên môn nhưng vẫn quảng cáo trá hình khiến người tiêu dùng cả tin và thiếu hiểu biết đã “tiền mất tật mang”, nhiều trường hợp còn dẫn đến tử vong. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi vi phạm này?
Xử lý hành vi vi phạm
Xử phạt vi phạm hành chính
- Đối với các cơ sở “chui” hoạt động không có giấy phép, theo quy định tại khoản 6, Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì mức phạt áp dụng đối với cơ sở kinh doanh không có giấy phép phù hợp sẽ là 40-50 triệu đồng, hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12-24 tháng.
- Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Căn cứ tại khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế quy định:
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo đó, hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây ra hậu quả làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, chấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Bên cạnh đó, tùy thuộc kết quả xác minh, nếu bị xác định có tội, những người có liên quan đến việc tử vong của người tiêu dùng có thể bị xử lý về các tội Vô ý làm chết người (Điều 128), Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (Điều 129) hoặc Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh hoặc các dịch vụ y tế khác (Điều 315) theo Bộ luật Hình sự 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
căn cứ vào các Điều 584, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015, người có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khoẻ của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, người vi phạm quy định về khám chữa bệnh phải bồi thường cho nhân thân của người bị tử vong.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm: Chi phí cấp cứu; Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại và của người thăm nuôi; Chi phí mai táng; Chi phí cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.
Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền
Ngoài ra, khoản 3 Điều 45 Nghị định 109/2016/NĐ-CP về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định: Sở Y tế gửi văn bản thông báo cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) và phòng y tế cấp huyện nơi có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động đặt trụ sở trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động. Sở Y tế đăng tải danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động thuộc thẩm quyền lên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.
Như vậy, danh sách các cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả những cơ sở thực hiện hoạt động thẩm mỹ được cấp phép) được đăng tải thông tin công khai lên trang thông tin điện tử. Do đó, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Phòng Y tế cấp huyện phải biết về việc trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu cơ sở được cấp phép hoạt động, cơ sở nào hoạt động không phép.
Các cơ sở thực hiện hoạt động thẩm mỹ thường nằm ở mặt tiền đường chính, dựng biển quảng cáo bắt mắt nên không thể có chuyện cán bộ quản lý không nắm được địa bàn.
Phòng Y tế cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp huyện là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong việc để cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép hoạt động trên địa bàn mình quản lý mà không phát hiện.
Hình thức bị xử lý kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc tuỳ theo mức độ vi phạm được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ/CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.