Chào bạn,
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp xin được trả lời các câu hỏi của bạn như sau:
1. Cha tôi có thể làm thủ tục khai sinh cho con riêng ông ta không?
Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) quy định về quyền được khai sinh như sau: “Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Về thời hạn, trách nhiệm khai sinh và thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 14, 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ và Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/06/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành thì:
Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh:
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.
Thủ tục đăng ký khai sinh:
Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Như vậy, trường hợp người đi khai sinh cho trẻ có khai về người cha và cha bạn cũng thừa nhận đứa trẻ là con của mình thì UBND cấp xã sẽ đồng thời giải quyết thủ tục nhận con và đăng ký khai sinh cho trẻ, lúc này tên người cha được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh.
- Cha tôi có thể tự bán lô đất chỉ mình ông đứng tên không?
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì lô đất chỉ mình cha bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại đất nông nghiệp, thông thường đối với loại đất này thì Nhà nước chỉ cấp cho “Hộ gia đình”, nếu bạn xem kỹ trên GCN bạn sẽ thấy chữ: Cấp cho “Hộ ông......” chứ không phải Cấp cho “Ông....” điều đó có nghĩa cha bạn (Chủ hộ) với tư cách người đại diện của Hộ gia đình (đại diện cho những thành viên có tên trong Sổ hộ khẩu) đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không phải lô đất này chỉ cấp riêng cho một mình cha bạn. Do lô đất nông nghiệp này là tài sản chung của Hộ gia đình nên cha bạn không thể tự mình chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bán) cho người khác nếu không có ý kiến của tất cả các thành viên trong hộ từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.
Điều 108 BLDS quy định: “Tài sản chung của Hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của Hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ”.
Khoản 2, Điều 109 BLDS quy định: “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của Hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý”.
2/.Cha mẹ tôi có thể làm thủ tục cho tặng căn nhà chỉ cho riêng tôi (vì về mặt tình cảm ông bà không thừa nhận em gái tôi) được không?
Nếu căn nhà là tài sản chung của vợ chồng, thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cha mẹ bạn thì cha mẹ bạn có toàn quyền quyết định việc tặng cho căn nhà đó cho bạn hay bất cứ người nào khác. Cha mẹ bạn có thể làm hợp đồng tặng cho toàn bộ căn nhà trên cho bạn.
3/. Trường hợp mẹ tôi lập di chúc cho tôi phần tài sản bà được thừa hưởng (sau khi bà qua đời) thì tôi có được hưởng toàn bộ phần tài sản của bà không ? hay phải chia cho ai khác (ông bà ngoại tôi đều đã mất và việc làm chứng tử rất phức tạp do mẹ tôi đã chuyển chỗ ở).
Về nguyên tắc mẹ bạn có thể lập di chúc để định đoạt phần tài sản riêng của bà cho bạn hay bất cứ người nào (50% trị giá tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng. Các tài sản khác là tài sản riêng của mẹ bạn do được thừa kế riêng, được tặng cho riêng,..).
Nếu di chúc hợp pháp và không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 643, Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005 thì bạn sẽ được hưởng toàn bộ tài sản của mẹ bạn để lại theo nội dung di chúc khi bà chết.
Điều 643. Người không được quyền hưởng di sản:
"1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc."
Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
4/. Trường hợp sau này cha tôi qua đời thì con riêng ông ta (hoặc ai) có quyền tranh chấp tài sản với mẹ tôi và chị em tôi không?
Theo quy định tại khoản 5, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì "Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú".
Do đó, trường hợp sau này cha bạn chết mà không để lại di chúc thì người con riêng của cha bạn sẽ thừa kế theo pháp luật và có cùng hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của cha bạn để lại. “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (điểm a, khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Ngay cả trong trường hợp cha bạn có lập di chúc để lại toàn bộ phần tài sản riêng của mình cho bạn mà không cho người con ngoài giá thú hưởng thì tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm cha bạn chết) nếu người con ngoài giá thú, con trong giá thú chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và ngay cả mẹ bạn, ông bà Nội của bạn (nếu ông bà còn sống) thì những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.
Xin được chia sẻ sự lo âu của mẹ bạn và anh em của bạn. Nhưng có một sự thật là cho dù bạn, mẹ bạn không thừa nhận người con ngoài giá thú của bố bạn và không muốn cho người này thừa hưởng bất cứ tài sản nào của cha bạn thì về quyền lợi, họ vẫn được pháp luật bảo vệ, ở đây không có một sự phân biệt đối xử nào. Trẻ em là vô tội, lỗi lầm thuộc về người lớn. Nói gì thì nói em ấy vẫn là con của cha bạn, là em của bạn và em ấy chỉ mới có 4 tuổi chưa biết gì, giống như một tờ giấy trắng, nếu có thể bạn hãy rộng lượng mà bỏ qua lỗi lầm của người khác. Cố gắng an ủi, động viên tinh thần của mẹ nha bạn.
"Hãy tha thứ cho những người đã làm bạn tổn thương.
Forgive those who have hurt you.
Les Brown"
Chúc bạn và gia đình gặp nhiều may mắn.
Nếu bạn cần trao đổi thêm xin vui lòng liên lạc theo địa chỉ email: lsgiadinh@gmail.com
Thân mến chào bạn.
_____________________
Luật sư Phạm Hiếu Nghĩa
Legal Vietnam Law Office
Cập nhật bởi lsgiadinh ngày 19/02/2011 12:26:31 AM