Trong trường hợp của bạn tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
[…]2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.[…]
Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, Tòa án sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.”
Trường hợp của bạn, con đang được bên mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng.
Thứ hai, về cấp dưỡng cho con sau ly hôn
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”
Như vậy kể cả trong đơn li hôn không nói gì đến phần cấp dưỡng cho con thì bạn vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn.
Về mức cấp dưỡng, theo quy định thì trước hết sẽ do hai bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố cần thiết để quyết định mức cấp dưỡng sao cho phù hợp với khả năng và nhu cầu thiết yếu của các bên.
Tuy nhiên tại khoản 3 điều 82 và điều 83 luật hôn nhân- gia đình 2014 có quy định:
“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.[…]”
Điều 83: quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con với người không trực tiếp nuôi con.
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Do đó việc vợ cũ của bạn không cho bạn gặp con với lí do trên là không đúng.
Vợ cũ của bạn có thể yêu cầu bạn cấp dưỡng cho con bạn.
Thứ ba, nếu bạn muốn thay đổi về người trực tiếp nuôi con.
Theo quy định tại điều 84 luật hôn nhân – gia đình 2014:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.[…]
Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì bạn và vợ bạn phải có thỏa thuận với nhau về việc đó hoặc bạn phải chứng minh được vợ của bạn không còn đủ khả năng, điều kiện để trực tiếp trông nôm, chăm sóc con bạn nữa, hoặc khi con bạn đủ 7 tuổi thì có thể xem xét nguyện vọng của con bạn muốn ở với ai.
Để yêu cầu tòa án ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con, bạn cần nộp đơn nêu rõ nhu cầu muốn giành quyền nuôi con với các lý do chứng minh người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con để chứng minh người vợ không đủ khả năng nuôi con thì có thể chứng minh sau khi lấy người khác người vợ đó bỏ bê việc chăm sóc , nuôi dưỡng , giáo dục con( cho dù có đủ nguồn tài chính) hay việc con bạn bị bạo hành về việc này bạn có thể hỏi ý kiến của hàng xóm xung quanh để làm nhân chứng có những việc đó ( nếu có)
Hồ sơ kèm theo đơn khởi kiện gồm:
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ;
- Các giấy tờ chứng minh về nhân thân người khởi kiện, người bị kiện (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy tờ xác nhận nơi cư trú…)
- Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc ly hôn;
- Giấy khai sinh của con;
- Bản kê các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện (có ghi rõ số lượng bản gốc, bản sao)
Thẩm quyền giải quyết:
Bạn có thể gửi đơn tới toà án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú.
Trên đây là một số ý kiến của tôi bạn có thể tham khảo.
[ Vũ Thị Hà Phương] Công ty luật Việt Kim ( www.vietkimlaw.com)
M: (+ 84-4 ) 899.888
E: luatvietkim.@gmail.com
Ad: tầng 5 tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ lại, chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp.
Trân trọng!