Chào bạn,
Trường hợp chị bạn muốn ly hôn với chồng chị, chị có thể bàn bạc với chồng về việc ly hôn và mong muốn nuôi con của chị bạn. Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận với nhau về việc ly hôn cũng như nuôi con thì chị bạn có thể làm thủ tục đơn phương ly hôn. Về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại Điều 56 như sau:
"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."
Hồ sơ đơn phương ly hôn gồm có:
- Đơn khởi kiện;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Chứng minh nhân dân và hộ khẩu
- Giấy khai sinh của các con;
- Các tài liệu, chứng cứ khác về tài sản chung (trường hợp vợ chồng chị bạn không thể thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung và chị bạn muốn yêu cầu tòa án chia tài sản chung.)
Chị bạn có thể nộp hồ sơ trên tại Tòa án cấp huyện nơi chồng chị bạn đang cư trú.
Về ai có quyền nuôi con, khi giải quyết vụ việc, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể về vấn đề này, Điều 81, Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Trường hợp của bạn bạn nói con gái của chị bạn 3 tuổi. Chị bạn nên xem lại cụ thể chính xác ngày sinh của con gái để xác định rõ có thuộc trường hợp dưới 36 tháng tuổi không. Nếu thuộc trường hợp này thì chị bạn được quyền trực tiếp nuôi con, trừ trường hợp chị bạn không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc thảo thuận của vợ chồng phù hợp với lợi ích của con. Còn trường hợp đã quá 36 tháng tuổi thì Tòa sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ như:
+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
Trên đây là nội dung ý kiến của tôi về vấn đề bạn thắc mắc. Việc đưa ra ý kiến dựa trên thông tin mà bạn cung cấp và chỉ có giá trị tham khảo. Trường hợp có nhầm lẫn hoặc cần thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ bên dưới.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc ý kiến chia sẻ của tôi!
Chuyên viên tư vấn
Nguyễn Thị Trà
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.