Theo quy định hiện hành tại Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ thì doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, từ năm 2021 đã có một số thay đổi. Cụ thể tại Điều 76 và Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động:
"Điều 76. Phòng vắt, trữ sữa mẹ
Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa.
...
Điều 80. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
...
5. Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
6. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động."
Như vậy, căn cứu theo quy định nêu trên thì khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của mình, trường hợp doanh nghiệp có sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì bắt buộc phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.