Tử hình được xem là mức án nặng nhất đối với người phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo luật định. Vậy, trường hợp nào Tòa án không áp dụng mức hình phạt tử hình đối với người phạm tội?
1. Khi nào áp dụng hình phạt tử hình?
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 có giải thích tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự 2015 quy định.
2. Trường hợp nào không áp dụng tử hình đối với người phạm tội
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
- Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
+ Người đủ 75 tuổi trở lên;
+Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
- Trong trường hợp quy định nêu trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
3. Người đã bị kết án tử hình thì có được ân giảm hay không?
Căn cứ Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành thì người bị tuyên án tử hình có thể được ân giảm theo quy định sau:
* Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:
- Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TANDTC và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng VKSNDTC.
- Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, TANDTC phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSNDTC. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKSNDTC phải trả lại hồ sơ vụ án cho TANDTC.
- Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
- Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
- Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TANDTC quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
- Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
* Khi có căn cứ của Chủ tịch nước quyết định ân giảm tử hình thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án TANDTC để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Như vậy, người phạm tội dù có trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn không áp dụng mức hình phạt tử hình bao gồm người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên.