Gần đây xuất hiện nhiều trường hợp bị xử phạt vì quay video CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Vậy người dân có được quay video giám sát CSGT không? Khi thực hiện cần lưu ý gì? Trường hợp nào thì bị xử phạt?
(1) Có được phép quay video giám sát CSGT không?
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 67/2019-TT-BCA quy định về hình thức giám sát của Nhân dân như sau:
- Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Như vậy, nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSGT, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân. Trong trường hợp cần thiết, người dân có quyền được sử dụng điện thoại để chụp, quay video, ghi âm lại các sát hoạt động của CSGT. Các hình ảnh, video, đoạn ghi âm nói trên đều có thể được sử dụng làm bằng chứng trong việc khiếu nại sau này. Tuy nhiên, khi thực hiện việc giám sát, người dân cũng cần lưu ý một số điểm để tránh vi phạm quyền riêng tư và pháp luật.
(2) Những lưu ý khi thực hiện giám sát CSGT
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA khi quay phim, chụp hình CSGT, người dân cần lưu ý những điều sau:
- Giữ khoảng cách an toàn và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của CSGT: Đứng cách xa CSGT đủ để không gây cản trở hoặc xao nhãng họ khi thực hiện nhiệm vụ. Tránh có những hành động như la hét, tranh cãi hay gây mất trật tự, thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng đối với CSGT.
- Đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4 Thông tư 67/2019/TT-BCA: là những khu vực được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để không gây cản trở hoạt động tác nghiệp của lực lượng chức năng. Trong trường hợp này, người dân cần tránh quay phim, chụp hình đồng thời giữ khoảng cách an toàn.
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác như quy định liên quan đến quyền riêng tư của người khác.
Như vậy, để công tác kiểm tra diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân lẫn CSGT và trật tự tại nơi làm việc. Thì người dân cần phải lưu ý những điểm đã liệt kê như trên.
(3) Trường hợp nào bị xử phạt khi quay video giám sát CSGT?
Như đã giải thích tại mục (1) và (2), người dân được quyền giám sát hoạt động của CSGT. Tuy nhiên khi khi thực hiện quyền giám sát phải đảm bảo không được xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước cũng như của các tổ chức cá nhân khác.
Tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng đối với người có hành vi như sau:
- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ
- Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Như vậy, trong trường hợp việc thực hiện giám sát của người dân như quay phim, chụp ảnh tại địa điểm đang có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông làm cản trở hoặc xao nhãng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ hoặc có hành động đe dọa, lăng mạ người CSGT có thể bị xử phạt lên đến 06 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp lạm dụng quyền giám sát như lớn tiếng hạch sách, chống người thi hành công vụ và quay clip phát tán lên mạng xã hội của đối tượng Phạm Trung Dũng tại thành phố Hải Phòng vừa qua. Còn có thể bị xử phạt lên đến 08 triệu đồng theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Tổng kết lại, người dân có quyền được sử dụng điện thoại để chụp, quay video, ghi âm lại các sát hoạt động của CSGT. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát người dân cũng cần lưu ý một số điểm để tránh việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.