Dear Trang_U
Nội dung bài viết sau sẽ giúp bạn và mọi người làm rõ hơn vấn đề này. Bài viết này đã xuất bản và hiện tại chưa cập nhật mới nhất tuy nhiên nội dung vẫn mang giá trị tham khảo.
Phải đóng dấu theo luật định
Khoản 4, điều 44 nói trên của Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, vẫn buộc phải đóng dấu trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Có ít nhất hai dạng quy định của pháp luật như sau: Thứ nhất, có quy định rõ ràng là phải đóng dấu. Ví dụ khoản 4, điều 19 về “Lập chứng từ kế toán”, Luật Kế toán năm 2003 quy định: Liên chứng từ kế toán “gửi cho bên ngoài phải có dấu của đơn vị kế toán”. Thứ hai, không quy định rõ trong phần chính của văn bản, nhưng lại có cụm từ “ký tên, đóng dấu” ở cuối các giấy tờ, mẫu biểu kèm theo. Trường hợp này sẽ gây tranh cãi bất phân thắng bại rằng, đó là bắt hay không bắt buộc phải đóng dấu? Còn trường hợp thứ nhất thì hiển nhiên là phải đóng dấu.
Có tới hàng chục văn bản, từ thông tư cho tới luật, đang quy định bắt buộc phải đóng dấu. Một doanh nghiệp bình thường thì cần phải có tài khoản và giao dịch qua ngân hàng. Mà chứng từ giao dịch bằng giấy với ngân hàng của các doanh nghiệp thì bắt buộc phải đóng dấu theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 8 về “Ký chứng từ kế toán ngân hàng”, Chế độ chứng từ kế toán ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12-12-2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt là Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định, giá trị giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải được thực hiện thanh toán không bằng tiền mặt và thông qua ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ mua bán hàng hóa, dịch vụ với giá trị mỗi giao dịch dưới 20 triệu đồng, thì không phải qua ngân hàng. Nhưng nếu xuất hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mỗi lần từ 200.000 đồng trở lên thì phải lập hóa đơn và khi đó lại bắt buộc phải đóng dấu theo quy định tại điều 4 về “Loại, hình thức và nội dung hóa đơn”, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ “Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17-1-2014).
Cuối cùng, nếu mỗi giao dịch chỉ dưới 200.000 đồng, thì khỏi cần xuất hóa đơn, nhưng doanh nghiệp cũng vẫn phải có sổ kế toán và vẫn buộc phải “đóng dấu giáp lai” vào sổ kế toán theo quy định tại khoản 2, điều 25 về “Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán”, Luật Kế toán.
Ngoài ra, hoạt động của một doanh nghiệp bình thường còn phải liên quan đến nhiều giao dịch phải đóng dấu khác. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có con dấu thì đồng nghĩa với việc không được hoạt động hoặc làm gì cũng bất hợp pháp.
Luật sư - Trọng tài viên trung tâm trọng tài thương mại Công Lý Việt Nam (VIETJAC)
Nguyễn Ngọc Anh
Email: ngocanhlawyer@gmail.com
Mobile: 0982502577