Ngoài các trường công an, quân đội và các ngành nghề đặc thù ra thì trường Đại học có được đặt ra tiêu chuẩn về chiều cao cũng như cân nặng của thí sinh không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Đề án tuyển sinh của các trường Đại học phải có những nội dung gì?
Căn cứ Khoản 2 Điều 11 Quy chế tuyển sinh được ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì đề án tuyển sinh của các trường Đại học phải có những nội dung chủ yếu như sau:
- Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo. Trong đó bao gồm cả những thông tin về:
+ Quyết định mở ngành.
+ Ngôn ngữ đào tạo.
+ Đội ngũ giảng viên.
+ Điều kiện học tập và nghiên cứu.
+ Văn bằng tốt nghiệp.
+ Kết quả kiểm định chất lượng.
+ Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (trên tổng số nhập học) và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp theo Phụ lục III của Quy chế này.
- Thông tin đầy đủ về các nội dung như: Chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học.
Cạnh đó, còn phải có các thông tin liên quan đến chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học.
- Kế hoạch tuyển sinh và phạm vi tuyển sinh các đợt trong năm trong đó đợt 1 tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy phải phù hợp với kế hoạch chung do Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó bao gồm cả quy định về:
+ Đối tượng và điều kiện tuyển sinh.
+ Phương thức tuyển sinh.
+ Tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành.
+ Chương trình đào tạo.
+ Quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh.
- Các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Theo đó, về mặt nội dung của đề án tuyển sinh thì các trường Đại học cần đảm bảo có những yếu tố như đã kể trên.
(2) Trường Đại học có được lấy chiều cao, cân nặng của thí sinh làm tiêu chí tuyển sinh không?
Như nội dung chủ yếu trong đề án tuyển sinh của các trường Đại học đã có nêu tại mục (1) kế hoạch tuyển sinh và phạm vi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy phải phù hợp với kế hoạch chung do Bộ GD&ĐT ban hành.
Mà tại Quy chế tuyển sinh được ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì chỉ có quy định liên quan tới trình độ, năng lực của thí sinh.
Cạnh đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Quy chế tuyển sinh được ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định đảm bảo về cơ hội dự tuyển của thí sinh như sau:
“Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém;”
Đồng thời, tại Điều 13 Luật Giáo dục 2019 cũng có nêu rõ về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong giáo dục như sau:
- Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
- Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định.
Theo đó, ngoại trừ các trường công an, quân đội đặt ra điều kiện về chiều cao. Hoặc một số trường hợp đặc thù như Học viện Báo chí và Tuyên truyền hay Đại học Sư phạm Hà Nội,... thì việc các trường Đại học lấy chiều cao, cân nặng của thí sinh làm tiêu chuẩn để tuyển chọn thí sinh là không đúng với tinh thần của pháp luật hiện hành về đảm bảo quyền lợi công bằng đối với thí sinh về cơ hội dự tuyển.