(Tuổi trẻ) Ông Dương Văn Tùng, ngụ tổ 15, ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang trúng số 100 triệu đồng nhưng không được nhận thưởng vì tờ vé số bị rách.
Thoạt nghĩ, tờ vé số của ông Tùng bị rách nên không thể nhận thưởng được là hoàn toàn có lý, bởi theo quy định trả thưởng ghi trên mặt sau của mỗi tờ vé số, tờ vé số trúng thưởng phải còn nguyên hình, nguyên số, không tách rời chắp vá.
Tuy nhiên, xét về tình (đạo đức) thì chưa ổn cho lắm!
Bởi lẽ “pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa”, nên trong các mối quan hệ xã hội nói chung và kinh doanh nói riêng người ta không chỉ bàn đến pháp luật mà còn đề cập đến đạo đức.
Do vậy, chân lý là mục tiêu mà xã hội loài người luôn hướng tới.
Quy định vé số rách không được nhận thưởng có lẽ xuất phát từ nguyên nhân hạn chế việc làm giả vé trúng thưởng để qua mắt công ty xổ số.
Còn việc, vé số thật trúng thưởng mà bị rách do lỗi sơ ý thì không ảnh hưởng gì đến sự thật khách quan nên không thể coi vé rách như vé không có giá trị được.
Nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ không còn nguyên vẹn, nếu công ty xổ số nghi ngại về tính chân thật thì yếu tố chức mình nguồn gốc tờ vé số sẽ thuộc về ông Tùng.
Bởi vậy, một khi ông Tùng chứng minh được tờ vé số bị rách của ông là tờ vé số thật thì không có lý do gì công ty xổ số kiến thiết Kiên Giang không trả thưởng.
Nếu công ty xổ số kiến thiết Kiên Giang có lý do từ chối trả thưởng thì đó cũng chỉ là: “vì đã có quy định vé rách không được nhận thưởng”; nhưng dẫu sao quy định cũng chỉ là quy định, quy định nào cũng nhằm điều chỉnh hành vi con người theo hướng đúng đắn, tôn trọng sự thật khách quan; nếu quy định đó không bảo đảm được tính khách quan thì nên gỡ bỏ.
Thay cho lời muốn nói: “đừng để nguyên tắc làm mất đi chữ tình; đừng vì quy định mà lãng quên chân lý”.