Con người ai cũng có lúc sai lầm, dù là trẻ vị thành niên hay một người đã hai thứ tóc. Sự khác biệt ở chổ trẻ vị thành niên chưa thực sự kiểm soát được hành vi của mình và chưa đủ bản lĩnh, sự vững vàng về tâm lý để vượt qua áp lực xã hội.
Chính vì vậy mà bên cạnh việc răn đe, giáo dục, trẻ vị thành niên cần được bảo vệ để làm lại cuộc đời, để vượt qua được áp lực xã hội và trở thành người tốt.
Trong nhiều sự kiện trong đó trẻ vị thành niên phạm pháp, nhiều lần tên thật và hình ảnh của trẻ được đưa lên mặt báo một cách công khai, chẳng khác gì những người đã trưởng thành. Ví dụ như hình ảnh của em trai 11 tuổi đã phạm tội ăn cắp các ê-cu của cầu Bính – Hải Phòng. Tôi không ủng hộ hành động đáng chê trách của em, nhưng tôi không đồng tình với việc đưa hình ảnh của em lên mặt báo như một trang báo nổi tiếng của VN đang làm.
Nếu là ở các nước như Nhật, Mỹ... thì chắc chắn tòa báo và phóng viên ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không lẽ VN không có luật này sao? Nhìn gương mặt trẻ thơ này tôi thấy đau lòng quá, sao mà nhẫn tâm với trẻ em đến như vậy. Trong nhiều trường hợp, đằng sau chuyện trẻ em phạm pháp là trách nhiệm của người lớn, vì vậy trẻ em không hoàn toàn chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Tôi không biết pháp luật nước ta có những qui định nào bảo vệ trẻ em vị thành niên phạm pháp hay không. Nhưng tôi thật sự đau lòng khi nhìn những gương mặt trẻ thơ rõ mồn một trên các trang báo. Các em có thực sự kiểm soát được hành vi của mình hay không? Rồi các em có thể đứng vững trước áp lực của xả hội, sự gièm pha, chế giễu của bạn bè, hàng xóm hay không? Chúng ta đã có lần nghe chuyện đau lòng như việc có em học sinh bị nghi ngờ ăn cắp vặt của bạn bè và tìm đến cái chết.
Hãy bảo vệ trẻ em, dù đó là những người vi phạm pháp luật ở bất cứ hoàn cảnh nào, lý do nào. Tôi thật sự muốn biết về các qui định pháp luật liên quan đến việc này, biết được quan điểm của các cơ quan chức năng như Ủy Ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em về việc này. Hãy cho trẻ em cơ hội làm lại cuộc đời và bước vào tương lai tươi sáng bằng việc giáo dục, răn đe và sự quan tâm, chứ không phải bằng việc vô cảm trước sự lầm lỗi của những con người chưa kiểm soát được hành vi của mình và dễ có những hành xử đáng tiếc trước áp lực xã hội. Hãy đối xử một cách đặc biệt với trẻ em phạm pháp.