Trộm cắp vặt có đi tù không?

Chủ đề   RSS   
  • #610957 25/04/2024

    Trộm cắp vặt có đi tù không?

    Trộm cắp vặt là gì? Hành vi trộm cắp vặt bị xử phạt như thế nào?

    1. Trộm cắp vặt là gì?

    Trộm cắp vặt hay ăn cắp vặt được hiểu là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị nhỏ (chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

    Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), hành vi trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp luật định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

    Vì vậy, một số người nghĩ rằng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với giá trị nhỏ và không thuộc trường hợp luật định sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên từ đó hành vi này diễn ra phổ biến hơn và càng ngày càng táo bạo.

    2. Chế tài đối với hành vi trộm cắp tài sản:

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người có hành vi trộm cắp tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong các trường hợp:

    - Có hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

    - Có hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:

    (i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    (ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    (iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    (iv) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    (v) Tài sản là di vật, cổ vật.

    Đối với hành vi trộm cắp tài sản, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt tối đa lên đến 20 năm tù.

    Nếu thực hiện hành vi trộm cắp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

    Đối với trường hợp trộm cắp vặt, tại mục 3 Phần I Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 hướng dẫn:

    "Hiện nay, chưa có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định này của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, vận dụng Thông tư liên tịch số 02 này thì trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian."

    Như vậy nếu một người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản với giá trị nhỏ, chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính thì giá trị tài sản được tính để truy cứu trách nhiệm hình sự là tổng trị giá tài sản của các lần thực hiện hành vi trộm cắp, nếu hành vi trộm cắp tài sản được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

    Do đó, hành vi trộm cắp vặt một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian mà tổng giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

     
    610 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận