Có một "sự lạ", đó là kiến thức thực tế hay gặp thì ở Trường Luật chỉ dạy qua loa, ngược lại, kiến thức thực tế không mấy quan trọng nhưng Trường Luật lại dạy rất kỹ. Ví dụ bài chủ thể tiến hành tố tụng dân sự, thay vì dạy các em thật kỹ phần nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký, Viện Trưởng VKS, Kiểm sát viên để sau này các em tự biết đánh giá và xử lý khi cần thiết thì giảng viên thường lướt qua nội dung này để tập trung vào nội dung "thay đổi người tiến hành tố tụng" khi thừa biết việc có hay không thay đổi người tiến hành tố tụng hoàn toàn do ý chí chủ quan của Chủ thể có thẩm quyền mà thường là không thay. Khi người kháng cáo không tới dự phiên toà Phúc thẩm, thay vì đình chỉ xét xử phúc thẩm, công nhận hiệu lực của Bản án sơ thẩm thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà lại gọi điện cảnh báo hậu quả xấu mà Người kháng cáo phải gánh chịu nếu không tới Toà rồi kêu họ tới Toà gấp, đồng thời cù cưa không mở phiên toà đúng giờ đã ấn định để chờ Người kháng cáo. Đương sự còn lại thấy vậy liền đề nghị thay đổi Thẩm phán Chủ toạ vì "có căn cứ rõ ràng cho thấy Thẩm phán có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ" theo qui định tại khoản 3 điều 52 BLTTDS nhưng Chánh án cho rằng không có cơ sở để chấp nhận thì cũng phải chịu !
Trong khi đó, nếu biết rõ nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại phiên Toà phúc thẩm trong trường hợp không có kháng nghị của VKS thì đương sự, đại diện của đương sự, thậm chí là Luật sư của đương sự (nếu là Luật sư ở địa phương khác tới) sẽ tranh thủ được ủng hộ của vị này. Như ở trường hợp trên, do qua lại ngồi Toà thường xuyên nên biết mặt tất cả Thẩm phán, Thư ký thì chắc chắn vị Kiểm sát viên biết thành phần Hội đồng xét xử và Thư ký phiên toà đã bị thay đổi trái pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng và Kiểm sát viên có quyền thực hiện quyền kiểm sát của mình đối với hoạt động tố tụng này của Toà án nhưng ông ta vẫn ngồi im ! Có thể do nể nang nhau. Tuy nhiên, vị Luật sư của bên bị kháng cáo đã không ngồi im mà đã "khéo léo nhắc nhở" vị Kiểm sát viên phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát của mình, nhờ đó một bản án vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã không ra đời.
Đương sự hoặc người đại diện hay luật sư của đương sự từ địa phương khác tới sẽ không biết mặt nhiều vị Thẩm phán, hiểu rõ điều này nên Thẩm phán chủ toạ vẫn hay "quơ đại" Thẩm phán nào rảnh tại thời điểm mở phiên toà cho "đủ tụ", dĩ nhiên những vị Thẩm phán được "quơ đại" không nghiên cứu hồ sơ vụ án nên khi ra xử, sợ ngồi im như phỗng thì khó coi và "bị lộ", các vị thỉnh thoảng xen vô hỏi đương sự một vài câu gọi là, khổ nổi do không biết gì nên các vị hay hỏi "chỏi" lại Thẩm phán chủ toạ, gây ra hoạt cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trớ trêu, kịch tính ngay giữa công đường !
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUANG THƯỢNG - 0907 829 557
231/3A đường Chiến Lược, KP 18, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TPHCM