Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 38 của luật số 35/2002/QH10 ngày 02/04/2002 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong các trường hợp sau:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật này;
c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động;
d) Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Cũng theo điều 31 của luật này thì người lao động sẽ được trợ cấp mất việc làm theo khoản 1 điều 17 bộ luật lao động năm 1994 trong trường hợp hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động kế tiếp không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng với người lao động.
Như vậy, trong trường hợp công ty nước ngoài tại hongkong bị phá sản dẫn đến chấm dứt họat động và đồng thời dẫn đến việc chấm dứt luôn họat động của VPĐD tại TP.HCM thì bạn chỉ được nhận trợ cấp thôi việc nếu VPĐD đã báo trước 45 ngày đối với lọai hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Trường hợp Công ty nước ngoài tại hongkong chỉ chấm dứt họat động của VPĐD tại TP. HCM thì bạn có thể căn cứ theo khoản 1 điều 17 của bộ luật lao động năm 1994 để yêu cầu trợ cấp mất việc làm (trường hợp doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc thay đổi cơ cấu). Ở đây tôi cũng cần phải nói thêm cho bạn biết rằng việc xác định trợ cấp thôi việc hay trợ cấp mất việc làm áp dụng đối với người lao động trong trường hợp cơ quan, tổ chức nước ngoài (không có tư cách pháp nhân ) chấm dứt họat động tại Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng nên có thể có sự tranh cãi về cách hiểu và áp dụng áp luật.