Tình huống đặt ra: Trên 1 tờ hóa đơn điện tử có nhiều mặt hàng, trong đó có 2 mặt hàng bị sai thuế suất (thuế suất khác với những mặt hàng khác). Vậy khi xuất hóa đơn mới, công ty mình cần phải tách ra làm 2 hóa đơn đúng không?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 10. Nội dung của hóa đơn
…
6. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
…
b) Thuế suất thuế giá trị gia tăng: Thuế suất thuế giá trị gia tăng thể hiện trên hóa đơn là thuế suất thuế giá trị gia tăng tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
…”
Theo đó, khi thực hiện lập hóa đơn điện tử bán sản phẩm nếu nội dung trên hóa đơn điện tử Công ty đang sử dụng đáp ứng quy định nêu trên thì Công ty có thể lập chung trên một hóa đơn điện tử các loại hàng hóa có thuế suất thuế GTGT khác nhau để giao cho người mua.
Trường hợp nội dung trên hóa đơn điện tử Công ty đang sử dụng không đáp ứng quy định này thì khi bán hàng hóa cho khách hàng, Công ty lập hóa đơn riêng cho các sản phẩm có cùng mức thuế suất thuế GTGT để giao cho người mua.
Như vậy, tùy vào nội dung trên hóa đơn của mình mà Công ty có thể lựa chọn lập 1 hóa đơn mới hay tách ra thành 2 hóa đơn.
Tuy nhiên, nếu 2 mặt hàng có mức thuế suất khác này là do được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì cần xuất hóa đơn riêng theo quy định như sau:
“Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng
…
4. Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
…”