Chào bạn,
Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp xin được trao đổi với bạn một số nội dung cụ thể như sau:
Trước hết, bạn cần xác định tài sản riêng của ông ngoại bạn, phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác (tài sản chung của vợ chồng,..) của ông ngoại bạn khi chết để lại (di sản) gồm những tài sản nào?
Nếu căn nhà của ông bà Ngoại bạn là tài sản chung của vợ chồng thì về nguyên tắc chia 50/50 có nghĩa là ông Ngoại 50%, bà Ngoại 50% trị giá căn nhà (có thể xem xét công sức đóng góp của hai người, trừ trường hợp căn nhà này là tài sản riêng của ông Ngoại hoặc bà Ngoại bạn do được thừa kế riêng hay được tặng cho riêng, hoặc có văn bản thỏa thuận, phân chia đây là tài sản riêng của vợ chồng).
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên tôi chỉ nêu trường hợp căn nhà trên là tài sản chung của ông bà Ngoại bạn. Năm 2008 ông Ngoại bạn chết mà không lập di chúc thì di sản là 50% trị giá căn nhà sẽ được thừa kế theo pháp luật chứ không phải là toàn bộ căn nhà.
Những người thừa kế theo pháp luật, theo hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của ông Ngoại bạn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 bao gồm: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” .
Do vậy, những người thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông Ngoại bạn gồm có: cha mẹ của ông Ngoại bạn (nếu còn sống), bà Ngoại bạn, 6 người con của ông bà Ngoại bạn sẽ được thừa kế 50% trị giá căn nhà chứ không phải toàn bộ trị giá căn nhà chỉ chia cho 4 người con gái của ông Ngoại bạn (trong đó có Mẹ của bạn) như bạn nghĩ.
Năm 2007 Mẹ bạn chết, (Mẹ bạn chết trước ông Ngoại của bạn và Mẹ bạn chỉ có một người con là bạn) thì bạn sẽ được “Thừa kế thế vị” có nghĩa là bạn sẽ hưởng phần di sản của ông Ngoại để lại mà đáng lẽ Mẹ bạn được hưởng nếu còn sống.
Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định Thừa kế thế vị như sau: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Như vậy, nếu không có người thừa kế nào từ chối nhận di sản, không có quyền hưởng di sản thì phần di sản mà bạn được hưởng không phải 1/4 trị giá căn nhà mà là 50% trị giá căn nhà sẽ được chia cho 7 phần (bà Ngoại + 6 người con). Tương đương: 2 tỷ / 7 = 285 triệu.
Bạn cũng không nói rõ người Dì của bạn yêu cầu bạn ký “văn bản chuyển quyền sử dụng tài sản cho bà Ngoại bạn” đây là văn bản gì? (Văn bản từ chối nhận di sản, Hợp đồng tặng cho, Biên bản họp gia đình,...). Nội dung văn bản ra sao? Bạn ký văn bản đó ở đâu? UBND phường, xã, phòng công chứng hay ở nhà ông bà Ngoại? Hiện nay giấy tờ về nhà đất do ai đứng tên chủ sở hữu, chủ sử dụng? nên rất khó trả lời chính xác trường hợp của bạn.
Nhưng theo những gì bạn cung cấp, có thể văn bản mà bạn và 5 người Bác và Dì của bạn đã ký có nội dung là bạn và những người này từ chối nhận di sản hay tặng cho phần di sản lại cho bà Ngoại của bạn. Sau đó bà Ngoại bạn làm hợp đồng tặng cho toàn bộ căn nhà cho người Dì của bạn.
Như vậy, bạn cần phải xem lại văn bản mà bạn đã ký trước đây cả về nội dung lẫn hình thức, bạn có bị lừa đối, đe dọa, ép buộc ký văn bản đó không,.. văn bản có hợp pháp không? Nếu có căn cứ cho rằng nó không hợp pháp thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia thừa kế cho phần của bạn,...
Bạn hỏi rằng Dì của bạn yêu cầu bạn ký một văn bản trong khi bạn không biết rõ nội dung thông tin của văn bản đó và sau đó âm mưu chiếm đoạt toàn bộ căn nhà thì có phải là lừa đảo không? Theo tôi đây không phải là hành vi lừa đảo. Việc bạn không đọc nội dung văn bản trước khi ký lỗi này thuộc về bạn.
Khi đó bạn đã tròn 18 tuổi là người đã thành niên và bạn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự do đó bạn tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Trừ trường hợp bạn có căn cứ chứng minh được văn bản đó là không hợp pháp như tôi đã trình bày ở trên.
Thân mến chào bạn. Chúc bạn nhiều may mắn.
Luật sư Phạm Hiếu Nghĩa
Cập nhật bởi lsgiadinh ngày 11/02/2011 08:00:33 AM