Pháp luật Việt Nam quy định chung về thừa kế gồm những nội dung sau:
1. Quy định về người để lại di sản: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.
2. Quy định về người thừa kế: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Quy định về Thời điểm, địa điểm mở thừa kế: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người đã chết thì tùy từng trường hợp, Tòa án xác định ngày chết của người đó; nếu không xác định được ngày chết thì ngày mà quyết định của Tòa án tuyên bố người đó là đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày người đó chết. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc một phần di sản. Địa điểm mở thừa kế được xác định theo đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).
4. Quy định về di sản thừa kế: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung với người khác và quyền về tài sản do người chết để lại.
5. Quy định về người quản lý di sản: Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
6. Quy định về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế của nhau mà chết cùng một thời điểm: Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm thì họ sẽ không được thừa kế của nhau. Di sản của mỗi người được chia cho người thừa kế của họ.
7. Quy định về những người không được hưởng di sản: Những người sau đây không được hưởng di sản:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bi kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc , sửa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự định đoạt của người có di sản, pháp luật cũng quy định những người nêu trên vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
8.Quy định về thời hiệu khởi kiện:
- Thời hiệu khởi kiện đối với những người có quyền thừa kế chỉ thực hiện được trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Đối với các chủ nợ của người để lại di sản: thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HÒA BÌNH
Website: http://www.luathoabinh.com/
Văn phòng tại Hà Nội: Số 09 Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: 04 6292 4060 Hot-line: 0936 171 023
Văn phòng tại TP Hồ Chí Minh: 68/240 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - Hot-line: 0936 171 023
Email: luathoabinh.com@gmail.com