LƯ QUANG VINH
Posted on 21/06/2011 by Civillawinfor
Xem ra câu nói “nhập gia tùy tục” cũng biến thiên theo thời cuộc. Việc ăn mặc xưa nay được coi là một biểu tượng văn hóa của các quốc gia, thậm chí người ta còn nghĩ đến các cuộc bình chọn quốc phục đề tôn vinh bản sắc văn hóa riêng của quốc gia mình. Minh chứng cho điều đó là tại các kỳ hội nghị thượng đỉnh ASEAN, APEC,… nguyên thủ quốc gia các nước bao giờ cũng có một buổi ăn mặc “tùy tục” với đầy đủ các sắc màu của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này mà diễn viên Lã Thanh Huyền mặc áo xường xám dạo chơi trên đất nước Trung Quốc lập tức bị hàng vạn cư dân mạng trên các diễn đàn mở phản ánh gay gắt là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí, có người còn lên tiếng đòi người đẹp này trả lại danh hiệu “Phụ nữ Thế kỷ 21”, tuy có phần hơi quá nhưng cũng dễ cảm thông cho họ. Song, nói gì đi nữa, Lã Thanh Huyền cũng chỉ là một cá thể trong một cộng đồng quốc gia nhiều dân tộc như Việt Nam chúng ta thì cũng không nên can thiếp quá sâu vào thị hiếu thẩm mỹ của riêng họ.
Theo thiển ý của tôi, trong thời điểm nhạy cảm giữa Việt Nam và Trung quốc hay khu vực biển đông hiện nay thì mặt trận văn hóa là điều hết sức cần được phát huy và tập trung bảo vệ. Trong các phương thức truyền thông, thì phương tiện truyền thông phát sóng có một lợi thế ưu việt của riêng nó. Trong đó, phương tiện truyền hình (báo hình) là một trong những phương thức thể hiện sự tối ưu đó của sức mạnh văn hóa đối với mưu đồ xâm lược.
Trước khi lên sóng truyền hình, các hình ảnh đã được sắp xếp theo một chủ đề nhất định. Được xây dựng trước theo một kịch bản nhất quán nên dễ cuốn hút khán giả nghe nhìn. Khi xây dựng kịch bản phim truyện truyền hình, các nhà biên kịch càng tối ưu hóa những hình ảnh này để thu hút khán giả nghe nhìn bằng các phân đoạn quay hình công phu và kỹ xảo hậu trường. Qua đó, ít nhiều các cung bậc tình cảm văn hóa địa phương của các quốc gia cũng được truyền tải và thẩm thấu vào khán giả nghe nhìn một cách thầm lặng và rất khó nhận diện để cưỡng lại. Điển hình là phong trào chiếu phim Hàn quốc rầm rộ vài năm trở lại đây đã tạo ra một làn sóng thời trang trong cách ăn mặc của thanh thiếu niên Việt Nam mà báo chí đã từng lên tiếng, hay các hành vi lệnh lạc do ảnh hưởng của các phim hành động,…
Chính tầm quan trọng của mặt trận văn hóa và cũng là một ngành kinh doanh béo bở của phim ảnh mà một số nước đã đầu tư rất lớn vào các phim trường. Đứng đầu là Hollywood gồm các phim trường lịch sử như: Warner Bros (Time Warner), Universal Studios, Paramount, Columbia (Sony Picture Entertainment), 20th Century Fox và Walt Disney; Phim trường Cinespace Chicago ở bang lllinois; Phim trường cho bộ phim kể về nhóm vệ sỹ bảo vệ Tôn Trung Sơn Bodyguards And Assassins đã ngốn hết 43 triệu Nhân dân tệ (hơn 6 triệu USD). Trong khi “mộng” phim trường du lịch Vina Universal ở nước ta tại huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi đã phải phá sản sau ba năm “treo” dự án kể từ khi làm lễ động thổ quy hoạch. Điều đó phần nào nói lên chất lượng phim Việt không thể vươn tầm ra mặt trận văn hóa các nước mà còn phải “rước” văn hóa ngoại về. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ thành quả đạt được của nền công nghiệp điện ảnh cũng như giá trị nhân văn mà các nước mang lại như: Cuốn theo chiều gió, Chiến tranh giữa các vì sao, Bác sỹ Zhivago, Bố già, Nhật ký tình yêu, Những con chim ẩn mình chờ chết,… nhưng đó là những phim chọn lọc, đàm phán được trong thời kỳ kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn. Còn trong hoàn cảnh hiện tại, các hãng truyền hình nước ta từ trung ương đến địa phương đều “thu hoạch” đáng kể từ nhiều nguồn, trong đó có tài trợ, quảng cáo, kể cả các khoản “lại quả” từ cách quảng cáo lồng ghép đến mức thô thiển, hợp tác sản xuất, nhập khẩu phim ảnh,… để rồi có lúc giật mình nhìn lại, khán thính giả cứ ngỡ mình là công dân Hàn, Trung!
Nếu chúng ta khắc khe quy đỗ trách nhiệm cho một chiếc áo xường xám thì tôi tự hỏi trách nhiệm của các nhà đài từ trung ương đến địa phương hiện đang chiếu phim Trung Quốc nhan nhản hàng ngày tại thời điểm này thì ra sao nhỉ? Phải chăng vì một lợi ích lớn lao nào đó cho tổ quốc mà lịch phát sóng các phim của Trung Quốc buộc phải tiếp diễn theo những hợp đồng dài hạn đã ký kết trước đó. Hay các nhà đài quên bẵng sức mạnh của cái gọi là “mặt trận dân vận” qua kênh truyền thông này chăng?
Một điều không thể so sánh trách nhiệm của nhà đài với chiếc áo xường xám kia nữa là: chiếc áo đó được mua bằng tiền túi của một cá nhân chứ không phải “đàm phán” bằng tiền ngân sách. Và rõ như ban ngày là tiền từ ngân sách chính là tiền thuế của mọi công dân. Bằng cách này hay cách khác, họ đã đóng góp một phần “quyền và nghĩa vụ” của người nộp thuế vào đó. Có khác chăng chỉ là sự ít nhiều do hoạt động có thu của họ mang lại nhưng chưa một lần họ nghe ngóng gì được từ phía nhà đài trong việc công bố chi tiêu tài chính!
06/21/tranh-ci-t%E1%BB%AB-bi%E1%BB%83n-d%E1%BA%A3o-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-trn-m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-van-ha/">http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2011/06/21/tranh-ci-t%E1%BB%AB-bi%E1%BB%83n-d%E1%BA%A3o-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-trn-m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-van-ha/ />
Cập nhật bởi ntdieu ngày 26/08/2011 06:59:48 CH
sửa tiêu đề