Tiến sĩ Trần Quý Cáp sinh năm 1870, quê ở làng Bất Nhị, nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông đã ngã xuống dưới lưỡi gươm bạo tàn của bọn thực dân và phong kiến tay sai ngày 17-5 năm Mậu Thân (15-6-1908) tại Khánh Hòa.
Vụ án vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam
Thời kỳ lịch sử cận đại, chuyện tham gia hoạt động yêu nước, cách mạng rồi bị kẻ thù bắt bớ, giam cầm, đày ải, chém giết… xảy ra khá phổ biến đối với sĩ phu và nhân dân Đất Quảng. Nhưng việc Trần Quý Cáp bị xử chém là một vụ án chưa từng có ở nước ta.
Một là, chúng xử tử một con người mà không có tội danh. Người ta gọi đấy là vụ án Mạc tu hữu. “Mạc tu hữu” nghĩa là chẳng cần có tội, muốn giết thì giết. Trong khi Trần Quý Cáp đang làm Giáo thọ tại Khánh Hòa, từ Quảng Nam nổi lên cuộc “dân biến”, xin xâu kháng thuế, rồi lan sang các tỉnh lân cận. Tuy phong trào chưa lan đến Khánh Hòa nhưng kẻ thù lo sợ, đã bắt ông rồi vội vàng đem xử chém.
Hai là, đối tượng bị xử chém là một nhà giáo, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng với phương tiện là ngòi bút và cái lưỡi, không liên quan đến chuyện bạo động, khởi nghĩa vũ trang. Trước, trong và sau vụ án lịch sử ấy, tất cả những nhà yêu nước và cách mạng bị xử tử đều ít nhiều liên quan đến hoạt động vũ trang, bạo động như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Ông Ích Đường, Phan Thành Tài, Trần Cao Vân, Thái Phiên...
Ba là, án lệnh được thi hành một cách vô cùng dã man với hình thức là “yêu trảm”, nghĩa là chém ngang lưng. Chém ngang lưng nhắm vào phần dưới quả tim để kéo dài sự đau đớn cho người tử tù. Những sĩ phu yêu nước ở Đất Quảng bị kẻ thù xử tử trước và sau đó đều không bị thực hiện như vậy, mà chỉ bị chém đầu. Như vậy, có thể nói đây là một vụ án dã man, phi nhân, phi pháp, có một không hai trong lịch sử nước nhà, thể hiện sự đê hèn của bọn cường quyền lúc bấy giờ.
Về chữ “oan” của vụ án
Vụ án xử chém Trần Quý Cáp đã làm cho giới sĩ phu cùng thân hào nhân sĩ và đồng bào khắp nơi bàng hoàng, đau xót, tiếc thương, căm giận. Đây là vụ án mà “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”. Phan Châu Trinh qua Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký, Phan Bội Châu qua Văn tế Thai Xuyên, Nguyễn Ái Quốc qua Bản án chế độ thực dân Pháp đều lên án tội ác của bọn cường quyền, đồng thời kêu oan cho ông nghè Trần Quý Cáp.
Trần Quý Cáp bị chết oan bởi ông bị chém mà không có bản án được tuyên; bởi vụ án ấy đi vào lịch sử với cụm từ “Mạc tu hữu”. Người ta nói trên đời thường có “cái lý của kẻ mạnh”, nhưng trong trường hợp này thì bọn cường quyền chẳng có cái lý nào cả!
Tuy nhiên, nói Trần Quý Cáp chết oan là căn cứ trên pháp luật của nhà cầm quyền, còn xét vấn đề một cách toàn diện thì, giữa Phong trào chống thuế xuất phát từ Quảng Nam năm 1908 với phong trào Duy Tân (1904-1908) mà Trần Quý Cáp là một trong những lãnh tụ, có mối liên hệ bên trong.
Chính phong trào Duy Tân với khẩu hiệu bất hủ: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh đã thấm vào đời sống nhân dân, làm cho nhân dân biết mình khổ nhục vì đâu, mình cần phải làm gì để thoát cảnh khốn cùng này. Hãy nghe ông lên án bọn quan lại tham nhũng, đồng thời vạch rõ chính sách sưu cao thuế nặng:
Dân ta nay cực đà như chó
Sao quan còn võng đỏ ngáng
ngà?...
Xâu thế này cực cả Tây Đông
Tây Đông cực, Bắc Nam rồi cũng khổ!
(Đánh đổ quan lại tham nhũng)
Ngán nổi con người mà chó ngựa
Ngờ đâu địa ngục ở nhân gian!
Kẻ nghèo nước mắt lau không ráo
Hát xướng làm chi hỡi quý quan!
(Hát xướng làm chi hỡi quý quan?)
Chắc chắn những vần thơ như vậy đã tác động mạnh đến phong trào chống thuế nói trên. Bọn thực dân - phong kiến sớm nhận ra ông là người nguy hiểm cho chế độ của chúng. Do vậy, việc ông bị bắt rồi xử chém có nguyên nhân sâu xa của nó.
Ông đã đứng về phía nhân dân, cổ động nhân dân chống lại bọn cường quyền. Do vậy, khi nhìn vấn đề một cách tổng quát, nếu nói Trần Quý Cáp chết oan, nghĩa là không liên quan gì đến phong trào chống thuế, thì vô tình hạ thấp tầm vóc của ông nói riêng và ý nghĩa của phong trào Duy Tân nói chung.