Trăm họ của người Việt Nam là những họ nào?

Chủ đề   RSS   
  • #616460 17/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 508 lần


    Trăm họ của người Việt Nam là những họ nào?

    Chúng ta vẫn thường nghe “bách gia trăm họ” hoặc “làm dâu trăm họ”, vậy thì “trăm họ” đó là những họ nào? Có thật là Việt Nam có 100 họ không? Và ở Việt Nam thì họ nào là đông nhất?

    (1) Có thật là Việt Nam có 100 họ không?

    Thời xưa, từ “trăm họ” được dùng để gọi nhân dân trong nước, theo nghĩa ước lệ thì “trăm họ” đã bao gồm “toàn bộ thần dân”. Tức là từ “trăm họ” trong “bách gia trăm họ” không có nghĩa là người Việt Nam có 100 họ, thực tế thì con số đó lớn hơn rất nhiều lần.

    Trong cuốn Họ và tên người Việt Nam, PGS.TS Lê Trung Hoa đã thống kê toàn bộ những họ được ghi nhận trên lãnh thổ nước ta, trong bản in đầu tiên năm 1992, có 769 họ được thống kê, trong đó người Kinh có 164 họ.

    Ở các lần tái bản sau, số họ của người Kinh thay đổi rất ít, nhưng rất nhiều họ của đồng bào các dân tộc khác được nhóm nghiên cứu ghi nhận.

    Đơn cử trong bản in lần thứ ba năm 2005, số họ được thống kê đã tăng thành 1020, riêng số họ của người Kinh là 165.

    Sau khi sách được in xong, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm 3 họ nữa, tức là tại thời điểm 2005, có 1023 họ được ghi nhận trên cả nước.

    Có thể thấy, con số này lớn gấp 10 lần con số “trăm họ”, do đó, trăm họ chỉ là một con số mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự đa dạng trong cộng đồng dân cư người Việt mà thôi.

    Mặt khác, khái niệm "trăm họ" không chỉ đơn thuần là con số mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết và hòa hợp của các nhóm dân tộc trong xã hội Việt Nam. Điều này nhấn mạnh rằng, mặc dù có nhiều họ khác nhau, tất cả đều thuộc về một cộng đồng chung, thể hiện sự gắn kết và hòa hợp trong văn hóa dân tộc.

    (2) Trăm họ ở Việt Nam thì họ nào là đông nhất? 

    Theo thống kê hiện nay, họ Nguyễn là dòng họ đông nhất khi chiếm đến 38,4% dân số.

    Đứng thứ hai là họ Trần với 12,1%.

    Kế đến là họ Lê chiếm 9,5%, họ Phạm 7%, họ Hoàng/Huỳnh chiếm 5,1%, họ Phan 4,5%, họ Vũ/Võ chiếm 3,9%.

    Chỉ riêng 07 họ này đã chiếm đến 80,5% dân số Việt Nam. 

    Bên cạnh 07 họ trên, một số họ cũng khá đông khác là họ Đặng chiếm 2,1% dân số, họ Bùi với 2%, họ Đỗ với 1,4%, họ Hồ 1,3%, họ Ngô 1,3%, họ Dương 1% và họ Lý chiếm 0,5% dân số cả nước.

    Để đưa ra được một con số chính xác tuyệt đối về họ ở Việt Nam cũng là một điều không dễ dàng, tuy nhiên phải khẳng định một điều là họ Nguyễn hiện đang là dòng họ có số lượng đông nhất tại Việt Nam, so với dân số hiện nay thì cứ 03 người Việt Nam thì sẽ có tối thiểu 01 người mang họ Nguyễn.

    (3) Họ của một người được xác định như thế nào? Có thể thay đổi họ không?

    Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, họ của một người được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ.

    Nếu cha mẹ không có thỏa thuận thì họ của con sẽ được xác định theo tập quán. Trường hợp chỉ xác định được mẹ đẻ mà chưa xác định được cha đẻ thì họ của con sẽ được xác định theo họ của mẹ đẻ và để trống phần thông tin của cha.

    Trường hợp trẻ em chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì sẽ được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi.

    Trường hợp trẻ em chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được các cơ sở nuôi dưỡng nhận nuôi thì sẽ được xác định họ theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong các trường hợp sau đây:

    - Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

    - Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

    - Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

    - Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

    - Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

    - Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

    - Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

    - Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

    Tuy nhiên cần lưu ý, khi thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó.

    Theo đó, việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

     
    4880 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận