Trả lời của Bộ Tư pháp về thế nào là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết

Chủ đề   RSS   
  • #485083 21/02/2018

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Trả lời của Bộ Tư pháp về thế nào là văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết

    Trong loạt câu hỏi của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến Bộ Tư pháp, mình thấy có câu hỏi này khá hay được gửi đến từ UBND tỉnh Gia Lai và được Bộ Tư pháp trả lời như sau:

    Hỏi: Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn thống nhất việc xác định thế nào là một VBQPPL, thế nào là văn bản quy định chi tiết; về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính; về căn cứ, thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp; việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực

    Trả lời:

    Về thế nào là một văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2015 đã quy định cụ thể về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Khoản 1 Điều 3 Luật năm 2015 giải thích “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Như vậy, Luật năm 2015 đã quy định khá rõ về quy phạm pháp luật và VBQPPL.

    Theo định nghĩa trên thì dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết một VBQPPL là văn bản đó có chứa đựng "quy phạm pháp luật” hay không? xác định yếu tố “chứa đựng quy phạm pháp luật" là công việc đầu tiên cần được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành một VBQPPL. Nếu văn bản cần ban hành có chứa “quy phạm pháp luật” thì việc soạn thảo, ban hành văn bản đó phải tuân theo trình tự, thủ tục của việc ban hành VBQPPL. Ngược lại, nếu không chứa quy phạm pháp luật thì việc soạn thảo và ban hành văn bản đó không phải tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo của VBQPPL. Cần lưu ý “chứa đựng quy phạm pháp luật” được hiểu là ngay cả khi văn bản đó chỉ chứa duy nhất một quy phạm pháp luật.

    Về văn bản quy định chi tiết: Luật năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định khái niệm về văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên qua thực tiễn xây dựng pháp luật có thể thấy rằng văn bản quy định chi tiết là văn bản quy định cụ thể các nội dung được giao trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

    Về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính: theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 thì thẩm quyền quy định thủ tục hành chính thuộc từ Thủ tướng Chính phủ trở lên, trừ trường hợp được giao trong luật thì được phép quy định thủ tục hành chính trong “Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

    Về căn cứ, thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND: Điều 61 Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể. Theo đó căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm VBQPPL quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản.

    Về việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực: Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể. Theo đó, ở địa phương UBND các cấp có trách nhiệm: Lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực HĐND cùng cấp công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do mình ban hành và do HĐND cùng cấp ban hành trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực; Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất HĐND cùng cấp ban hành văn bản để thay thế văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ.

    Xem thêm các câu hỏi đáp khác tại file đính kèm.

     
    21016 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn trang_u vì bài viết hữu ích
    lymaile256@gmail.com (08/01/2021) hoailamsvl (22/02/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận