- Từ thời điểm Luật 2012 có hiệu lực đến thời điểm hiện tại, Hội đồng nhân dân Thành phố chưa ban hành Quyết định quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, cần thiết phải ban hành để thực hiện công tác quản lý nhà nước theo luật định và phù hợp với tình hình đặc thù của Thành phố.
Trên cơ sở ý thức của người tham, gia giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tham gia giao thông theo ý thức chủ quan (ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém), tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định (vi phạm lưu thông ngược chiều, đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, dừng, đậu sai quy định...). Do sự đa dạng về thành phần tham gia giao thông và nơi lưu trú không cố định ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền phổ biến luật giao thông, cần thiết phải nâng cao giải pháp về xử lý vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Tai nạn giao thông luôn ở con số cao mặc dù hàng năm đều được kéo giảm (riêng tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện môtô, gắn máy chiếm khoảng 80% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra); các lỗi chiếm tỷ lệ cao gồm lưu thông không đúng phần đường (tỷ lệ hàng năm từ 13-17%); lưu thông đường cấm, ngược chiều, không chấp hành đèn tín hiệu (5-6%).
Tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông năm sau so với năm trước khoảng 5%; tổng số phương tiện được cấp mới hàng năm có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra vào các giờ cao điểm (sáng, chiều); các tuyến đường xung quanh khu vực cảng sông, đường dẫn vào cảng Hàng không đôi lúc xảy ra tình trạng ùn ứ, các phương tiện tham gia giao thông di chuyển chậm vào một số thời gian nhất định; việc mở rộng các tuyến đường và đẩy mạnh hệ thống vận tải hành khách tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, chủ yếu vẫn là phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, một số vụ ùn ứ giao thông nguyên nhân do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như tránh vượt, không nhường quyền ưu tiên, dừng, đậu sai quy định, đón, trả khách không đúng quy định.
Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng mặc dù đã được kiềm chế kéo giảm tuy nhiên vẫn nhen nhóm xảy ra, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự giao thông và gây tâm lý bất an cho người dân, người tham gia giao thông tại các khu vực xảy ra tình trạng này.
Các phương tiện thô sơ, cơ giới ba bánh, xe mô tô kéo theo vật khác vận chuyển các loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều xe cơi nới để vận chuyển được thêm nhiều hàng hóa, nguy cơ cao mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
1. Về quy định chung (Chương I)
- Phạm vi điều chỉnh (Điều 1): quy định phạm vi áp dụng đối với lĩnh vực giao thông đường bộ và các mức xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại Nghị định Nghị định số
100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng (viết tắt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021)).
Nghị quyết chỉ quy định về mức phạt tiền, các hình thức xử phạt khác không phải là phạt tiền, thủ tục xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và những nội dung khác được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Ví dụ: tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì áp dụng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Về phạm vi không gian áp dụng thực hiện Nghị quyết, Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định Hội đồng nhân dân được quyết định khung tiền phạt đối với khu vực nội thành của thành phố, UBND.TP đề xuất áp dụng thực hiện Nghị quyết trên toàn địa bàn thành phố và thống nhất về cách hiểu “khu vực nội thành”.
- Nguyên tắc áp dụng (Điều 2): quy định áp dụng khung tiền phạt bằng 02 lần khung tiền phạt Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021), áp dụng mức tăng cao nhất cho phép và làm rõ mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng theo điểm d khoản 1 Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.
Lý do quy định áp dụng khung tiền phạt bằng 02 lần khung tiền phạt theo Nghị định xử phạt:
+ Có chế tài đủ mạnh thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thiết lập trật tự giao thông của chính quyền thành phố.
+ Thuận lợi trong công tác tuyên truyền, dễ nhớ, đánh mạnh vào ý thức của người dân khi lưu thông vào địa bàn thành phố.
- Thẩm quyền xử phạt (Điều 3): các chức danh có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Nghị định xử phạt thì có thẩm quyền xử phạt tương ứng theo Nghị quyết, nội dung này căn cứ theo khoản 1 Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
“1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.”
2. Mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính (Chương II)
Trên cơ sở thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, do đó nội dung Nghị quyết tập trung đối với các nhóm hành vi có liên quan đến công tác kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, ngoài ra UBND.TP đề xuất một số nhóm hành vi liên quan đến trật tự mỹ quan đô thị và phòng chống tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng.
Nội dung Nghị quyết được chia thành 02 Điều, mỗi Điều quy định đối với từng loại phương tiện là ô tô (Điều 4) và mô tô (Điều 5) với 19 nhóm hành vi (05 nhóm hành vi đối với ô tô và 14 nhóm hành vi đối với mô tô) tương ứng với 03 nội dung công tác: phòng ngừa tai nạn giao thông; phòng ngừa ùn tắc giao thông, thiết lập trật tự mỹ quan, đô thị; phòng ngừa tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng.
Các nhóm hành vi theo quy định tại Nghị quyết được căn cứ trên cơ sở thực tiễn vi phạm phổ biến, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây bức xúc trong dư luận, có khả năng phát sinh phức tạp trong thực tiễn cần phải quy định tăng mức khung tiền phạt để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
2.1. Công tác phòng ngừa ùn tắc giao thông và thiết lập trật tự, mỹ quan đô thị: 07 nhóm hành vi (04 nhóm hành vi đối với xe ô tô và 03 nhóm hành vi đối với xe mô tô)
* Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn (quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” (quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đón trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách hoặc dừng, đón trả khách quá thời gian quy định (quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đón, trả hành khách không đúng địa điểm đón, trả hành khách được ghi trong hợp đồng (quy định tại điểm k khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
* Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:
- Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật (quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
- Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt (quy định tại điểm h khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
- Người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác (quy định tại điểm k khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
2.2. Công tác phòng ngừa tai nạn giao thông: 06 nhóm hành vi (01 nhóm hành vi đối với xe ô tô và 05 nhóm hành vi đối với xe mô tô)
* Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
- Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào với loại phương tiện đang điều khiển (quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
* Đối với xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô:
- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà (quy định tại điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển (quy định tại điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (quy định tại điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông (quy định tại điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
- Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi điều khiển xe đi vào đường cao tốc và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
2.3. Công tác phòng ngừa tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng (đối với xe mô tô): 06 nhóm hành vi
- Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên (quy định tại điểm k khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021))
- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Điều khiển xe chạy thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan thẩm quyền cấp phép (quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe (quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị (quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh (i quy định tại điểm c khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
>>> Xem toàn văn Dự thảo Nghị quyết tại file đính kèm