- Ngày 28 tháng 4 năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố QCVN 2 : 2008/BKHCN “Quy chuẩn mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”
- Trích Thông tư Liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT, ngày 28/6/2013 QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU,KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG MŨ BẢO HIỂM CHO NGƯỜI ĐI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE ĐẠP MÁY :
Điều 3. Quy định về mũ bảo hiểm, kinh doanh mũ bảo hiểm
1. Mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đội khi tham gia giao thông (sau đây viết tắt là mũ bảo hiểm) là mũ có đủ các tính năng sau:
a) Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư liên tịch này;
b) Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
- Nghị định 171/2013/NĐ-CP, ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã sử dụng cụm từ “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” thay cho cụm từ “mũ bảo hiểm” như tại NĐ 34 (71) cũ. Ngày mà NĐ 34 còn hiệu lực, chỉ cần là “mũ bảo hiểm” thì có thể đội trên đầu để vi vu xe máy. Còn sang NĐ171 thì phải đúng là “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, còn không sẽ bị phạt 100-200K.
- Ngày 18 tháng 04 năm 2014, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia ban hành Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG.
Trong đó có nêu:
3. Hoạt động tuyên truyền
a) Chủ đề: “Đội mũ bảo hiểm xe máy là bảo vệ chính mình”.
b) Thời gian: tháng cao điểm tuyên truyền từ 20/5/2014 đến 19/6/2014, tiếp tục tuyên truyền thường xuyên, liên tục.
c) Nội dung tuyên truyền:
- Đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH; các chế tài và mức xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng MBH giả, mũ không phải MBH dành cho cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy.
Chà chà.... với cái đo đỏ trên thì dư luận phản ứng là phải rồi.... ơ nhưng đây là "Hoạt động tuyên truyền". Còn phạt... phạt... phạt là ở đây:
5. Xử lý hành vi đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông
a) Thời gian xử lý: từ ngày 01 tháng 07 năm 2014.
b) Đối tượng xử lý:
Người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
c) Xử lý vi phạm:
- Xử lý vi phạm đối với đối tượng đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy: Yêu cầu dừng xe, tuyên truyền nhắc nhở, từ 15-30/6/2014; yêu cầu dừng xe, xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, giao nộp để tiêu hủy mũ không phải MBH.
- Đối tượng đội mũ MBH không đúng quy cách: Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Không thấy ghi xử phạt người đội cái "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy"_GIẢ
Tuy nhiên, từ đây "dư luận" bắt đầu rộ lên thông tin “xử phạt mũ bảo hiểm thời trang”, “phạt người đội mũ không đúng chuẩn”, “xử lý người đội mũ bảo hiểm giả”….
Ở vấn đề này, tôi thấy cần phân biệt:
1. Mũ bảo hiểm
2. Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy
3. “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” nhưng là đồ giả.
Có thể chính cách dùng từ của các báo làm cho mọi người hiểu nhầm giống vụ nhiều báo dùng từ “xe chính chủ” làm hiểu sai, gây bão dư luận xã hội.
Theo tôi chỉ xử phạt những ai không đội cái (2), còn vấn đề của cái (3) là việc của Quản lý thị trường; còn cái “mũ bảo hiểm thời trang” nằm trong cái (1), người ta bán đầy rẫy ngoài đường nhưng về lý thì không thể xử phạt.
Giống như sự ví von về việc người ta bán dao, còn để chặt thịt lợn hay thịt người là việc của người sử dụng. Chính cái “cư dân mạng xôn xao” đã làm cho đến lực lượng CSGT cũng trả lời: “chính CSGT cũng không thể phân biệt mũ bảo hiểm giả”.
Còn việc phân biệt thế nào là “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” thì đơn giản hơn nhiều, chủ yếu cần có lớp xốp dầy ự, cầm vào thấy khác loại “thời trang” ngay; tem CR và nhãn hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề ví dụ "Mũ siêu xịn của tôi xách tay từ Mẽo về thì làm sao có tem CR"; "Mũ xịn bị bong tem".... vẫn bị xử phạt sao?....
Mời các bạn góp ý.