Vừa qua, hàng loạt các diễn đàn đưa tin về vụ buôn người của tổ chức casino dẫn đến nhiều người phải vượt biên tháo chạy về nước. Vụ việc này không những ảnh hưởng trực tiếp đến những nạn nhân và gia đình của họ mà còn dấy lên trong lòng người dân một nỗi ám ảnh, lo sợ. Vậy hình thức hoạt động của đường dây buôn người này được diễn ra như thế nào? Biện pháp phòng tránh và cách xử lý nếu lâm vào tình cảnh đó là gì?
Theo thông tin được đăng tải trên Báo Chính phủ, nhiều nạn nhân trong vụ việc buôn người bị hấp dẫn bởi lời chào mời mức lương cao, công việc nhẹ nhàng nên họ đã vượt biên trái phép ra nước ngoài. Họ bị ép vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, bị tra tấn dã man dẫn đến nhiều người phải tháo chạy về nước.
Vụ việc nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Bởi lẽ, không phải trước đây chưa từng có tiền lệ, đã có nhiều vụ buôn người như thế, tuy nhiên về sự lộng hành và thủ đoạn thì không thể so sánh được. Vụ việc đang là mối lo ngại cho người dân, đặc biệt hơn là đối với người lao động.
1. Thủ đoạn của “casino buôn người”
Sau 2 năm dịch Covid-19, một phần lớn người dân rơi vào cảnh thất nghiệp, đời sống thiếu thôn. Đồng thời doanh thu của các tổ chức Casino cũng sụt giảm mạnh vì thiếu du khách tới đánh bạc. Nắm bắt được tâm lý của người lao động và thừa cơ hội này, những tổ chức buôn người lấy lý do xuất khẩu lao động với tiêu chí việc nhẹ lương cao nhằm dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin theo chúng.
Hứa hẹn với một mức lương hấp dẫn từ 700-1000 đô/ tháng nhưng không cần kinh nghiệm hay bất kỳ kỹ năng gì từ người lao động.
Những tổ chức này mô tả về một công việc lý tưởng là soạn thảo văn bản và điều phối các phần mềm trò chơi hay các website cá cược.
Hình thức quảng cáo của những tổ chức này khá đa dạng và dễ dàng tiếp cận người lao động như thông qua các trang mạng xã hội, các hội nhóm hay thậm chí là tiếp thị qua điện thoại.
Theo đó, nhiều nạn nhân mắc lừa bởi tin vào những quảng cáo của chúng và sau đó đồng ý “xuất khẩu lao động”.
Tuy nhiên, “xuất khẩu lao động” mà chúng nói là hành vi buôn bán người trái phép. Những tên môi giới hay gọi là “cò buôn” sẽ đưa những nạn nhân qua biên giới và giao người cho các tổ chức Casino, mà nhiều nhất là ở các nước Đông Nam Á.
2. Công việc của người lao động cho các “Casino buôn người”?
Bề ngoài của các “Casino buôn người” này không khác gì các khu trung tâm thương mại sang trọng, tổ hợp công nghệ hay trung tâm kinh tế. Nhưng thực ra là nơi vận hành hoạt động cờ bạc và các mạng lưới lừa đảo trực tuyến núp bóng Casino. Mặc dù mô hình của các tổ chức “casino buôn người” là khác nhau, tuy nhiên chúng đều được bảo vệ nghiêm ngặt và vận hành khép kín.
Khi người lao động bị bán cho các tổ chức Casino, họ phải chịu điều kiện làm việc tồi tệ, liên tục mười mấy tiếng, chịu đánh đập, chích điện, bỏ đói, đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam, thậm chí sang tay như hàng hóa giữa các tổ chức buôn người nếu không vừa ý chủ.
Mỗi lần sang tay như vậy, giá của những người lao động bị buôn cũng tăng theo, càng sang tay người chủ càng nhận được nhiều tiền hơn.
Ngoài ra, công việc của họ tại đây là lôi kéo người Việt Nam tham gia vào các trò chơi trực tuyến, các hoạt động cá cược trên mạng, các sàn giao dịch ảo, hay vay tiền qua ứng dụng.
Tất cả đều là các nền tảng lừa đảo và chiếm đoạt tiền. Như vậy, sau khi bị lừa, các nạn nhân lại bị ép đi lừa đồng hương của mình.
Họ không được phép ra ngoài khu làm việc và gần như bị giam lỏng. Hàng ngày, họ phải làm từ sáng tới nửa đêm mà không được nhận lương. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, hoặc tỏ thái độ chống đối, những người quản lý ở đây sẽ đánh đập bằng dùi cui và chích điện vào họ.
3. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức “Casino buôn người”
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh Việt Nam trái phép
Hành vi “cò buôn” của những kẻ môi giới cho các tổ chức “casino buôn người” có thể bị xử phạt theo tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép căn cứ tại Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt cao nhất cho tội này là 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội mua bán người
Tại Điều 3 Nghị định thư Palermo của Liên hiệp quốc ngày 15/11/2000 mà Việt Nam tham gia ký phê chuẩn quy định khái niệm về buôn bán người như sau:
“Buôn bán người ” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác.
Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, lô lệ hay những hình thức tương tự lô nệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể.”
Tội mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người,…coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.
Theo đó, Căn cứ Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 quy định người nào dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi được quy định ở trên.
Theo đó, mức phạt cao nhất cho tội này lên tới 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tội hành hạ người khác
Việc hành hạ người lao động bắt làm việc hàng giờ, đánh đập, chích điện được căn cứ theo Điều 140 BLHS 2015 người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Mức phạt cao nhất cho tội này là 03 năm tù.
Tội cố ý gây thương tích
Còn trường hợp hành hạ, đánh đập người khác mà gây ra thương tích cho nạn nhân thì kẻ thực hiện hành vi đánh người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất là tù chung thân .
Bên cạnh đó, đối với hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản, hành vi tổ chức đánh bạc trái phép, đưa thông tin trái phép trên mạng internet thì cũng có thể bị xử lý hình sự bởi các chế tài tương ứng theo quy định của BLHS 2015.
4. Những điều người dân cần làm khi bị lừa vào đường dây “Casino buôn người”
Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Để ngặn chặn và đẩy lùi tình hình tội mua bán người chúng ta cần áp dụng tổng hợp một số các giải pháp sau đây:
- Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐTBXH cấp. Danh sách các doanh nghiệp có Giấy phép trên trang Thông tin Điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Khi được Nhà nước cấp phép đi xuất khẩu lao động thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
- Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân.
Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép để có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Ngoài ra, cần tiếp thu kiến thức về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của bản thân về tội phạm mua bán người.
- Cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. Tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
- Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.