Từ 01/01/2015, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 chính thức có hiệu lực. Theo đó, có những điểm mới sau:
1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc
Theo đó bổ sung vào khái niệm “Bảo hiểm y tế” tại khoản 1 điều 2 Luật bảo hiểm y tế 2008 từ “bắt buộc” - khẳng định rõ quan điểm của Nhà nước “Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc” nhằm thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân một cách tốt nhất.
2. Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế
Bổ sung nội dung mới về Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, giải thích hộ gia đình bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
3. Bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả”
Là những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
4. Quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế
Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ % của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
5. Mức hưởng bảo hiểm y tế
Theo đó, mức hưởng bảo hiểm y tế phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Mức độ bệnh tật;
- Nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi;
- Thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
6. Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế
Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm Ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả. Ngoài ra, sửa đổi khoản 3 điều 6 như sau: “Ban hành quy định chuyên môn kỹ thuật, quy trình khám bệnh, chữa bệnh và hướng dẫn điều trị; chuyển tuyến liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh BHYT”.
7. Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo Quốc phòng và Bộ Công an
8. Sửa đổi điều luật về đối tượng tham gia BHYT
Điều 12 với 25 khoản được sửa đổi, bổ sung thành 6 khoản.
9. Mức đóng bảo hiểm đối với thành viên hộ gia đình
Các thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo HĐLĐ, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, HSSV…) sẽ phải tham gia BHYT theo mức sau:
- Người thứ nhất của hộ phải đóng bằng 6% mức lương cơ sở.
- Người thứ hai, ba, tư phải đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
- Từ người thứ năm trở đi sẽ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
10. Phương thức đóng BHYT
Điều 15 được sửa đổi về mặt câu chữ, điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp với tổng thể nội dung của Luật sửa đổi.
11. Giá trị sử dụng của thẻ BHYT đối với trẻ dưới 6 tuổi
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.
12. Mẫu thẻ BHYT
Tổ chức BHYT ban hành mẫu thẻ BHYT sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.
13. Thu hẹp phạm vi hưởng của người tham gia bảo hiểm
Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh không còn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
14. Mức hưởng BHYT khi trái tuyến.
Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01/01/2016.
15. Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích vẫn được hưởng BHYT
Theo đó tại điều 23. Các trường hợp không được hưởng BHYT đã bải bỏ:
- Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích.
- Khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.
Và nhiều điểm mới khác.
Cập nhật bởi HuyenVuLS ngày 09/07/2014 03:59:38 CH