Toàn bộ điểm mới Luật hôn nhân gia đình 2014

Chủ đề   RSS   
  • #332521 10/07/2014

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4353 lần


    Toàn bộ điểm mới Luật hôn nhân gia đình 2014

    Từ 01/01/2015, Luật hôn nhân & gia đình 2014  (sau đây gọi gọn là Luật 2014) chính thức có hiệu lực và thay thế cho Luật hôn nhân & gia đình 2000 (sau đây gọi gọn là Luật 2000). So với Luật 2000 thì Luật 2014 có những điểm mới sau:

    (i) Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 1 Luật 2000. Theo đó, quy định ngắn gọn, xúc tích về phạm vi điều chỉnh, bỏ phần nhiệm vụ trong Luật 2000 (nội dung này được lồng ghép vào những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình).

    (ii) Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 2 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản giữ các nguyên tắc của Luật 2000, bổ sung nguyên tắc “xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc”, “kế thừa phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân & gia đình”.

    Luật 2014 bỏ nguyên tắc: “Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”.

    (iii) Điều 3. Giải thích từ ngữ

    Điều này được sửa đổi bổ sung trên cơ sở Điều 8 Luật 2000. Theo đó, bổ sung thêm các từ ngữ mới như sau:

    - Tập quán hôn nhân & gia đình (khoản 4).

    - Chung sống như vợ chồng (khoản 7).

    - Cản trở kết hôn, ly hôn (khoản 10).

    - Kết hôn giả tạo (khoản 11).

    - Yêu sách của cải trong kết hôn (khoản 12).

    - Ly hôn giả tạo (khoản 15).

    - Thành viên gia đình (khoản 16).

    - Người thân thích (khoản 19).

    - Nhu cầu thiết yếu (khoản 20).

    - Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (khoản 21).

    - Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (khoản 22).

    - Mang thai hộ vì mục đích thương mại (khoản 23).

    (iv) Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân & gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 3 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên, chỉ sắp xếp lại về mặt hình thức câu chữ.

    (v) Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân & gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 4 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên và bổ sung các hành vi cấm sau:

    - Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

    - Lợi dụng việc thực hiện quyền hôn nhân & gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

    Đồng thời bổ sung quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân & gia đình.

    (vi) Điều 6. Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 5 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên chỉ sửa đổi “ luật về hôn nhân và gia đình” thành “Luật này”.

    (vii) Điều 7. Áp dụng tập quán về hôn nhân & gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 6 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này” – Như vậy, nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi văn bản pháp luật từ Chính phủ.

    (viii) Điều 8. Điều kiện kết hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều Điều 9 & 10 Luật 2000. Theo đó, độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi (Luật 2000 là từ 18 tuổi), nam là từ đủ 20 tuổi (Luật 2000 là từ 20 tuổi).

    Luật 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Luật 2014 sửa đổi thành: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

    (ix) Điều 9. Đăng ký kết hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 11 Luật 2000. Theo đó, điều này được quy định ngắn gọn lại và bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa”. Như vậy, việc đăng ký kết được thống nhất trên toàn quốc.

    (x) Điều 10. Người có quyền yêu cầu việc hủy kết hôn trái pháp luật

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 15 Luật 2000. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật được bổ sung thêm:

    - Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình.

    - Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

    “Thay thế” cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

    (xi) Điều 11. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 16 Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết và rõ ràng hơn Luật 2000. Đồng thời bổ sung một khoản: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp phối hợp thực hiện điều này”.

    Như vậy, sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

    (xii) Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 17 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung này được giữ nguyên nhưng chỉnh sửa về mặt hình thức câu chữ. Ngoài việc, quy định giải quyết quyền lợi của các con thì Luật 2014 còn quy định “ giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con”.

    (xiii) Điều 13. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.

    (xiv) Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

    2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

    (xv) Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

    (xvi) Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

    (xvii) Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 19 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung đoạn “trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

    (xviii) Điều 18. Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

    (xix) Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều điều 18 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

    (xx) Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 20 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và bổ sung thêm từ “thỏa thuận” trong việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng.

    (xxi) Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 21 của Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau” bởi khoản 1 đã bao hàm nội dung này.

    (xxii) Điều 22. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 22 của Luật 2000. Theo đó, bỏ nội dung “không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào” bởi quy định “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau” đã bao hàm nội dung trên.

    (xxiii) Điều 23. Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 23 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và chỉnh sửa lại như sau:

    “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

    (xxiv) Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 24 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung được giữ nguyên nhưng thay đổi về cách trình bày câu chữ, ví dụ thêm nội dung mới “…xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

    (xxv) Điều 25. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    “1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

    2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.

    (xxvi) Điều 26. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    “1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

    2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.

    (xxvii) Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 25 Luật 2000. Theo đó, phạm vi chịu trách nhiệm liên đới mở rộng hơn Luật 2000.

    (xxviii) Điều 28. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới mang tính “quy định chung” trong mục chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều luật này.

    (xxix) Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

     “1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

    2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

    3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.

    (xxx) Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    “1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

    2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”.

    (xxxi) Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng

    Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

    “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”.

    (xxxii) Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

    “1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

    2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”.

    (xxxiii) Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 27 Luật 2000. Theo đó, nội dung “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng” không còn quy định trong điều luật này mà tách ra thành một điều mới.

    Và bổ sung quy định: Tài sản chung được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

    (xxxiv) Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

    Điều này được tách ra trên cơ sở điều 27 của Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết như sau:

    “1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

    2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.”

    (xxxv) Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 28 Luật 2000. Theo đó, quy định mới nổi bật sau:

    “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

    (xxxvi) Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.

    (xxxvii) Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

    1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

    2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

    3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

    4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

    5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

    6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

    (xxxviii) Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 29 Luật 2000. Theo đó, quy định mới là: “Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”.

    (xxxix) Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

    2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

    3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

    (xl) Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 30 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba”.

    (xli) Điều 41. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

    2. Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật này. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

    3. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    4. Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận”.

    (xlii) Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

    2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

    a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

    b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

    c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

    d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

    đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

    e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (xliii) Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 32 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”.

    (xliv) Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 33 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, trong đó bỏ quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”.

    (xlv) Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

    1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

    2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

    3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

    4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng”.

    (xlvi) Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

    2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

    3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

    (xlvii) Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

    (xlviii) Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

    a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

    b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

    c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

    d) Nội dung khác có liên quan.

    2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”.

    (xlix) Điều 49. Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

    2. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này”.

    (l) Điều 50. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

    b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

    c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

    2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”.

    (li) Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 85 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định mới sau:

    “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

    (lii) Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

    Điều này được giữ nguyên như điều 86 Luật 2000.

    (liii) Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 87 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ thay đổi điều Luật dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

    (liv) Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

    Điều này được giữ nguyên như điều 88 Luật 2000.

    (lv) Điều 55. Thuận tình ly hôn

    Điều này được giữ nguyên như điều 90 Luật 2000.

    (lvi) Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 91 Luật 2000. Theo đó, bổ sung sau quy định “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” nội dung “nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

    Và bổ sung:

    “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

    Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

    (lvii) Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan”.

    (lviii) Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này”.

    (lix) Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 95 Luật 2000. Theo đó, bổ sung điểm mới nổi bật: Việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

    Quốc hội giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn điều này.

    (lx) Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

    2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.

    (lxi) Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 96 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm điều khoản dẫn chiếu ở khoản 2.

    (lxii) Điều 62. Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 97 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp.

    (lxiii) Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

    (lxiv) Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

    (lxv) Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

    Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án”.

    (lxvi) Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

    2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

    3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

    4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

    (lxvii) Điều 67. Quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 26 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định sau:

    “Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:

    a) Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;

    b) Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.”

    (lxviii) Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

    2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

    3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

    4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

    (lxix) Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 34 Luật 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau:

    “Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

    Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự”.

    (lxx) Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 35 Luật 2000. Theo đó, bổ sung những nội dung sau:

    “Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

    Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

    Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

    Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

    Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình”.

    (lxxi) Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 36 Luật 2000. Theo đó, bổ sung “đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự” trong quyền và nghĩa vụ của con.

    (lxxii) Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 37 Luật 2000. Theo đó, bổ sung “quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa” trong việc cha mẹ tôn trọng quyền của con.

    (lxxiii) Điều 73. Đại diện cho con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 39 Luật 2000. Theo đó, bổ sung các nội dung sau:

    “2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

    3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

    4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự”.

    (lxxiv) Điều 74. Bồi thường thiệt hại do con gây ra

    Nội dung này được giữ nguyên như điều 40 Luật 2000, chỉ có sự thay đổi nhỏ ở nội dung dẫn chiếu.

    (lxxv) Điều 75. Quyền có tài sản riêng của con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 44 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định “Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này”.

    (lxxvi) Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 45 Luật 2000. Theo đó, bổ sung những nội dung sau:

    “Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

    Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự”.

    (lxxvii) Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 46 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện”.

    (lxxviii) Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

    Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

    2. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

    3. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự”.

    (lxxix) Điều 79. Quyền, nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 38 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau” vì các nội dung trên đã bao hàm nội dung này.

    (lxxx) Điều 80. Quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này”.

    (lxxxi) Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 92 Luật 2000. Theo đó, có quy định mới sau:

    Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên [Luật 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên] thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    Quy định “Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

    (lxxxii) Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 94 Luật 2000. Theo đó, quy định như sau:

    “1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

    2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

    Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

    (lxxxiii) Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

    2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

    (lxxxiv) Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 93 Luật 2000. Theo đó, có điểm mới nổi bật sau: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên [Luật 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên]”.

    (lxxxv) Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 41 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức phân chia điểm, khoản.

    (lxxxvi) Điều 86. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 42 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức phân chia điểm, khoản.

    (lxxxvii) Điều 87. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 43 Luật 2000. Theo đó, việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ được bổ sung cho hai trường hợp sau:

    - Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

    - Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

    (lxxxviii) Điều 88. Xác định cha, mẹ

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 63 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân”.

    (lxxxix) Điều 89. Xác định con

    Điều này được giữ nguyên như điều 64 Luật 2000.

    (xc) Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ

    Điều này được giữ nguyên như điều 65 Luật 2000.

    (xci) Điều 91 – 102: Quy định mới.

    (xcii) Điều 103. Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 49 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên nội dung, thay đổi về hình thức sắp xếp các khoản.

    (xciii) Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 47 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

    (xciv) Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em

    Điều này được giữ nguyên như điều 48 Luật 2000.

    (xcv) Điều 106. Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

    (xcvi) Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 50 Luật 2000. Theo đó, bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

    (xcvii) Điều 108. Một người cấp dưỡng cho nhiều người, 109. Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người được giữ nguyên như điều 51, 52 Luật 2000.

    (xcviii) Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 56 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ bỏ từ “khi ly hôn”.

    (xcix) Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

    Điều này được giữ nguyên như điều 57 Luật 2000.

    (c) Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 58 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức (hai khoản gom thành một).

    (ci) Điều 113. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 59 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

    (cii) Điều 114. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

    Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

    “1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

    2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này”.

    (ciii) Điều 115. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

    Điều này được giữ nguyên như điều 60 Luật 2000.

    (civ) Điều 116. Mức cấp dưỡng, Điều 117. Phương thức cấp dưỡng được giữ nguyên như điều 53, 54 Luật 2000.

    (cv) Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 61 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về mặt hình thức, sắp xếp lại các khoản.

    (cvi) Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 55 Luật 2000. Theo đó, quy định như sau:

    “1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

    2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

    a) Người thân thích;

    b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

    c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

    d) Hội liên hiệp phụ nữ.

    3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

    (cvii) Điều 120. Khuyến khích việc trợ giúp của tổ chức, cá nhân

    Điều này được giữ nguyên như điều 62 Luật 2000.

    (cviii) Điều 121. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 100 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

    (cix) Điều 122. Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 101 Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết hơn, cụ thể như sau:

    “1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

    Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

    2. Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này.

    Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.

    3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng”.

    (cx) Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 102 Luật 2000. Theo đó, quy định ngắn gọn hơn, cụ thể như sau:

    “1. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

    2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

    3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

    (cxi) Điều 124. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình, Điều 125. Công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình

    Đây là điều luật mới.

    (cxii) Điều 126. Kết hôn có yếu tố nước ngoài

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 103 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác” – vì thực tế hành vi này đã bị xử lý theo pháp luật hình sự.

    (cxiii) Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

    Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 104 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam” – vì đã được quy định ở điều 125.

    (cxix) Điều 128. Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, Điều 129. Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài, Điều 130. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

    Đây là điều luật mới.

    (cxx) Điều khoản thi hành

    Theo đó, được quy định như sau:

    Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

    1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

    2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này.

    3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực.

    Điều 132. Hiệu lực thi hành

    Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

    Luật hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

    Điều 133. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

    Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

    Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.”

     
    155011 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

2 Trang <12
Thảo luận
  • #403420   21/10/2015

    ngudan92
    ngudan92

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:21/09/2015
    Tổng số bài viết (15)
    Số điểm: 90
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 0 lần


    cảm ơn bạn đã cập nhật :)

    Anh em nào có nhu cầu công chứng,Công chứng hợp đồng mua bán xe, thủ tục sang tên sổ đỏ, sang tên sổ đỏ, liên hệ mình nha!

     
    Báo quản trị |  
  • #403427   21/10/2015

    Jimraynon
    Jimraynon

    Male
    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:20/08/2015
    Tổng số bài viết (56)
    Số điểm: 625
    Cảm ơn: 12
    Được cảm ơn 18 lần


    Cho mình hỏi: làm sao biết con sinh ra sau 300 ngày kể từ khi kết thúc hôn nhân là con người chồng? Nếu giám định ADN thì ai chi trả kinh phí?

     

    Ly hôn gần đủ năm vợ bế 1 đứa bé đến đòi tiền cấp dưỡng thì biết đâu nuôi con tu hú!

    If the enemy is in ranger, so are you!

     
    Báo quản trị |  
  • #403601   22/10/2015

    nguyentruong17
    nguyentruong17

    Male
    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/10/2015
    Tổng số bài viết (3)
    Số điểm: 15
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 1 lần


    Cảm ơn bác nhiều nhé. Sắp lấy vợ rồi cũng cần quan tâm chút :#

     
    Báo quản trị |  
  • #403265   20/10/2015

    ls0988856399
    ls0988856399

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:06/10/2015
    Tổng số bài viết (5)
    Số điểm: 25
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Một số đổi mới quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

    Kế thừa và phát huy thành tựu của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986 của nhà nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ra đời đã góp phần đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp của gia định Việt Nam, qua đó có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển nguồn nhân lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

     

    Thông qua những quy định cụ thể, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, ấm no hạnh phúc ở Việt Nam, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, tạo ra hành lang pháp lý góp phần thiết lập và bảo đảm sự an toàn cho các quan hệ tài sản phát sinh trong nội bộ các thành viên gia đình cũng như các giao dịch giữa các thành viên gia đình với các chủ thể khác trong xã hội; ghi nhận quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên sau 13 năm đi vào cuộc sống, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các quan hệ hôn nhân và gia đình đã có những thay đổi đáng kể cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn của pháp luật. Trong bối cảnh như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

    Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các địa phương và bộ ngành có liên quan và thông qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi chính thức được thông qua, với 79,52% số phiếu tán thành, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2015, với 10 chương, 133 điều quan hệ hôn nhân gia đình sẽ có những quy định pháp lý điều chỉnh về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Cụ thể, Luật quy định những  vấn đề như: Kết hôn; quan hệ giữa vợ và chồng; chấm dứt hôn nhân; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình; cấp dưỡng; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...

    1. Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình

    Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó, Điều 7 quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại Điều 7 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chính phủ sẽ có Nghị định nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định này[1].

    Pháp luật hiện hành chỉ quy định “vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình, mà phải áp dụng các phong tục tập quán.  

    2. Nâng độ tuổi kết hôn

    Nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước qua tuổi 18 như quy định tại Luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật mới quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên đối nữ và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên. Sở dĩ có việc thay đổi này là vì nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 thì quy định này là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Đó là, theo Bộ luật Dân sự năm 2005 người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý… Còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện.

    3. Không cấm kết hôn đồng giới

    Về hôn nhân đồng giới, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn đồng giới, và vì cấm nên đi kèm sẽ có chế tài, xử phạt. Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng quy định cụ thể “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đây là sự nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.

    4. Cho phép mang thai hộ

    Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình đã chính thức thừa nhận và cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo (cụ thể từ Điều 93 đến Điều 98), song phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Theo đó, các cặp vợ chồng vì lý do nào đó không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện, gồm: Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Luật được thông qua dựa trên nguyên tắc “người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ”. Theo đó, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ 5 điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

    Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh. Đáng chú ý là việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con (của người mang thai hộ) theo chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con, thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết, thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ…

    Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải bảo đảm các điều kiện: a) Lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Việc ủy quyền cho người thứ ba không được công nhận. Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này; b) Có thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên; c) Quyền, nghĩa vụ về hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ; d) Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

    Quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: (i) Người mang thai hộ, vợ chồng người mang thai hộ (sau đây gọi là bên mang thai hộ) có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con đến khi giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ  cho bên nhờ mang thai hộ theo thỏa thuận; (ii) Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Thời gian hưởng chế độ thai sản ít nhất là 60 ngày kể từ ngày sinh. Việc mang thai hộ không bị ràng buộc về thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình đối với lần mang thai hộ; (iii) Trong trường hợp có khó khăn về bảo đảm sức khỏe sinh sản, bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe và sự phát triển của thai nhi phù hợp với quy định của pháp luật y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản, người phụ nữ mang thai hộ có quyền quyết định về việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

    Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: (i) Trong trường hợp bên mang thai hộ có khó khăn về chi trả các chi phí thực tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản thì bên nhờ mang thai hộ phải hỗ trợ những chi phí thực tế đó; (ii)  Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra, ngay cả trong trường hợp bên mang thai hộ chưa  giao con cho họ. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổ; (iii) Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con, không nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này, nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường theo thỏa thuận; không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự; (iv) Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ; (v) Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

    Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn mà bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ  theo quy định của Bộ luật dân sự. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không nhận con và bên mang thai hộ không tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ, bên nhờ mang thai hộ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    Việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

    5. Công việc nội trợ được coi như lao động có thu nhập

    Điểm mới đáng lưu ý trong luật sửa đổi lần này là những quy định về giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Điểm khác biệt so Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành là luật mới đã quy định rõ công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập.

    6. Tài sản của vợ chồng

    Khi kết hôn:Quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng. Luật hiện hành chủ yếu đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp thì chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 quy định cụ thể: Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Quy định này sẽ làm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay.

    Được thỏa thuận về tài sản khi ly hôn:Cụ thể, về tài sản chung của vợ chồng, theo luật thì đó là tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng, cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Đối với quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng, cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng. Luật cũng quy định rõ, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

    Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận, thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.

    7. Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn

    Luật Hôn nhân và gia đình mới cũng bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Chồng không có quyền ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng.

    8. Nghĩa vụ đối với con khi ly hôn

    Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên), thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    Quy định “về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

    Ngoài ra, Luật mới cũng có một số điểm mới như: Bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; quy định về con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được luật hóa. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định...

    Với những điểm đổi mới như trên, hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 sẽ giải quyết được những quan hệ phức tạp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bền vững và hạnh phúc.

     
    Báo quản trị |