Ngày 25-09-2008, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “chia tài sản sau ly hôn” giữa Nguyên Thị Hòa (nguyên đơn) và Phan Hữu Phương (bị đơn), ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã bỏ qua một số tình tiết khiến sự việc kéo dài và gây bất bình trong dư luận.
Sự việc tóm tắt như sau: Năm 1996, anh Phan Hữu Phương (Sinh năm 1971), ở thôn tây, xã Nhân Trạch kết hôn với chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1978), ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch. Trước lúc kết hôn với chị Hòa, anh Phương đã được bố mẹ và anh chị em trong gia đình nhất trí cho anh được sở hữu 1 ngôi nhà cấp 4, rộng 38,34 m2 và 100 m2 đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thôn tây. Sau khi kết hôn, trong thời gian chung sống hai vợ chồng làm thêm một ngôi nhà cấp 4 rộng 54,9 m2.
Năm 1998, Chị Nguyễn Thị Hòa đi lao động ở Liên bang Nga, đến năm 1999 anh Phan Hữu Phương cũng làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Tuy nhiên, do thiếu tiền làm thủ tục nên anh Phương đã thế chấp nhà và đất cho anh Lê Xuân Bẳn và chị Phan Thị Hoa để lấy 65 triệu đồng (giấy thế chấp có chứng nhận của UBND xã Nhân Trạch). Năm 2004, Chị Hòa về nước được một thời gian rồi tiếp tục sang Anh lao động đến năm 2007. Trở về nước chị Hòa đã làm đơn ly hôn với anh Phương, đồng thời yêu cầu được lấy lại toàn bộ tài sản (gồm nhà và đất).
Tại bản án số 10/2008/HNGĐ-ST, ngày 25-9-2008, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã quyết định xử anh Phan Hữu Phương và chị Nguyễn Thị Hòa đều được hưởng ½ tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể: chị Nguyễn Thị Hòa được sở hữu 100 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tại thửa số 167, tờ bản đồ số 7), ở thôn tây, xã Nhân Trạch. Tổng giá trị Hòa được sở hữu là 128.015.670 đồng, nhưng chị Hòa phải bù tiền chênh lệch tài sản 64 triệu đồng cho anh Phan Hữu Phương, Ngoài ra, Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã tuyên hợp đồng thế chấp giữa anh Phan Hữu Phương và anh Lê Xuân Bẳn, chị Phan Thị Hoa lập ngày 1-9-1999 vô hiệu. anh Lê Xuân Bẳn, chị Phan Thị Hoa có nghĩa vụ phải trả lại cho anh Phan Hữu Phương và chị Nguyễn Thị Hòa toàn bộ tài sản anh Phương đã thế chấp gồm 2 nhà lợp phibrôximăng với tổng diện tích 93,24 m2, anh Phương phài trả cho anh Bẳn, chị Hoa 65 triệu đồng. Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch cũng đã bác yêu cầu của anh Phan Hữu Phương về việc trả lại cho bố mẹ anh toàn bộ tài sản của hai vợ chồng; cho rằng yêu cầu của bà Nguyễn Thị Chút (mẹ anh Phương) đòi lại tài sản nhà và đất cho anh Phương là không có căn cứ; bác yêu cầu của anh Phương về việc bà Lê Thị Hồng Khăng (mẹ chị Hòa) đã nhận của anh 4.000 USD.
Qua tìm hiểu sự việc và các giấy tờ liên quan đến cuộc hôn nhân và tài sản của anh Phan Hữu Phương và chị Nguyễn Thị Hòa, Chúng tôi nhận thấy Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch đã bỏ qua một số tình tiết để xử việc chia tài sản sau ly hôn là chưa thấu tình đạt lý. Bởi lẽ, từ những chứng cứ mà tòa án nhân dân huyện Bố Trạch nêu ra và áp dụng khoản 2, điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình đề xác định là anh Phương tự nguyện nhập toàn bộ tài sản (gồm nhà và đất) có trước khi hôn nhân vào tài sản chung của vợ chồng là chưa đấy đủ. Vì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận, trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do huyện UBND huyện Bố Trạch cấp từ tháng 9-2007 chỉ có tên anh Phan Hữu Phương, như vậy, vấn đề tài sản chung của anh Phương và chị Hòa có được trong thời ký hôn nhân chỉ là một ngôi nhà cấp 4 lợp phibrôximăng có diện tích 54,9 m2.
Ông Lê Xuân Bẳn, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Nhân Trạch cho biết: “Năm 1996, Đoàn địa chính của huyện Bố Trạch về xã Nhân Trạch đo đất đề cập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Lúc đó, tôi là trưởng thôn tây (ông Bẳn – PV) dẫn đoàn đi đo đất và đưa đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất cho ông Phan Đình Tùng (bố anh Phương), ông Tùng biết cô Hòa mâu thuẫn với anh Phương nên ông Tùng không viết tên cô Hòa vào đơn. Sau này khi cô Hòa về nước, không biết lý do gì trong đơn lại có tên Nguyễn Thị Hòa với chữ ký khác so với nguyên bản. Về “giấy thế chấp nhà ở” mà Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch tuyên giao dịch bị vô hiệu là chưa đủ căn cứ, vì đây là một giao dịch bảo đảm các quy định về hình thức và trên thực tế các bên đã tuân thủ quy định của pháp luật bằng việc đề nghị UBND xã nơi có tài sản chứng thực việc giao dịch. Về tình cảm sau hôn nhân, Bản thân chị Nguyễn Thị Hòa thừa nhận hai vợ chồng ly thân từ năm 2008, nay lại chủ động viết đơn bỏ chồng, đòi lấy nhà đất của bố mẹ chồng cho con trai trước lúc lấy vợ là thiếu đạo lý và tình người.
Trích báo Quảng Bình
Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm về vấn đề phân chia tài sản