Về trường hợp này có thể có phát sinh một vụ án dân sự khác nhưng người này là bị cáo và đang bị tạm giam nên không thể thực hiện yêu cầu đến tòa án để lấy lời khai.
Theo Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì chỉ có quy định về việc trích xuất phục vụ xét xử tại phiên tòa:
"1. Tòa án có thẩm quyền phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử và lệnh trích xuất người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ nơi đang giam giữ người bị tạm giam chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, đồng thời trao đổi với cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải về tính chất phức tạp của vụ án, mức độ nguy hiểm, số lượng đối tượng đưa ra xét xử."
Hiện không có quy định được trích xuất để đến tòa án lấy lời khai cũng như việc tòa án đến để lấy lời khai trong vụ án dân sự khác. Trong trường hợp nêu trên thực hiện theo Điều 9:
"Điều 9. Phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân
1. Việc phối hợp trong tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân thực hiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam."
Trong quá trình gặp người thân này có thể ủy quyền cho người đó tham gia tố tụng trong vụ án dân sự.