Tổ chức, cá nhân có quyền giải trình khi bị xử phạt vi phạm hành chính

Chủ đề   RSS   
  • #610748 19/04/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (446)
    Số điểm: 4249
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 82 lần


    Tổ chức, cá nhân có quyền giải trình khi bị xử phạt vi phạm hành chính

    Người bị xử phạt vi phạm hành chính thì trường hợp nào được quyền giải trình? Việc giải trình được thực hiện thông qua hình thức nào và có bắt buộc người vi phạm giải trình không? 

    (1) Quy định về giải trình 

    Căn cứ tại Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:

    Cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính khi thuộc 2 trường hợp:

    - vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; 

    - vi phạm hành chính mà mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức. 

    Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình.

    (2) Hình thức giải trình

    Cá nhân, tổ chức giải trình có thể giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

    - Đối với trường hợp giải trình trực tiếp

    Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

    Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

    Người có thẩm quyền xử phạt tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý, tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan; trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì các bên phải ký vào từng trang biên bản. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của họ 01 bản.

    - Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản

    Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

    Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản.

    Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

    Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 118/2021/NĐ-CP 

    Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc không gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn giải trình trong thời hạn quy định hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện quyền giải trình, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. 

    Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn quy định như sau: 

    + Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

    + Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

    Trường hợp không yêu cầu giải trình nhưng sau đó lại có yêu cầu giải trình

    Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn quy định lại có yêu cầu giải trình, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm theo thủ tục quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch, bệnh đối với tang vật vi phạm hành chính là động vật, thực vật sống, hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản hoặc tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ hoặc có khả năng gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch, bệnh.

    Việc giải trình và xem xét ý kiến giải trình được thể hiện bằng văn bản và lưu trong hồ sơ xử phạt. 

    Như vậy, việc giải trình là quyền của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, không mang tính bắt buộc. Giải trình có thể qua hình thức trực tiếp hoặc lập văn bản và phải tuân thủ đúng thời gian quy định.

     
    2490 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận