Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Bộ luật dân sự không giải thích khái niệm thế nào là “vật”, tuy nhiên khái niệm vật có thể được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất, bao gồm động vật, thực vật và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Vật tồn tại một cách khách quan mà con người có thể cảm nhận được bằng giác quan của mình. Nếu xét theo cách giải thích này thì tinh dịch hoàn toàn có thế được xem là “vật” theo luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tinh trùng không thể là di sản thừa kế mà nó gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người. Chỉ có người đó mới có quyền quyết định việc sử dụng, khi họ chết coi như chấm dứt. Nếu gọi tinh trùng là di sản để lại thì không ổn, vì khi đó giao dịch dân sự liên quan sẽ trái thuần phong mỹ tục theo luật Việt Nam. Đồng thời, những bộ phận của cơ thể con người như tim, gan, phổi, thận… và kể cả tinh trùng đều không thể được coi là một loại hàng hóa hay tài sản để có thể trao đổi, chuyển nhượng vì đó là việc làm phi đạo đức. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam cũng được xây dựng trên quan điểm này.
Đối với quan điểm này thì tinh trùng – một phần của cơ thể con người – không phải là một loại tài sản nên không thể là đối tượng được thừa kế. Theo đó, việc hiến ghép tinh trùng trong trường hợp nêu trên để tạo ra một con người mới, cuộc sống mới thì đây là việc làm không được phép vì nó vi phạm quyền con người nói chung và quyền của đứa trẻ được sinh ra nói riêng. Đồng thời sẽ kéo theo nhiều hệ lụy pháp lý về sau liên quan đến nhân thân, hôn nhân gia đình, dân sự... mà pháp luật và những người liên quan sẽ không thể lường hết được.