Việt Nam hiện có tới 1,75 triệu lao động là trẻ em, chiếm gần 10% trẻ em trên cả nước, một con số đáng giật mình mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa công bố. Trẻ em bắt đầu làm việc sớm phổ biến ở tuổi từ 12 cho đến dưới 17 tuổi, tuy nhiên vẫn có tới hơn 15% lao động trẻ em ở nhóm 5 - 11 tuổi, đây là nhóm trẻ em nhỏ tuổi cần phải loại bỏ mọi hình thức được coi là cưỡng bức hoặc không kiểm soát được.
Trong số trẻ em phải lao động sớm, gần 85% sinh sống ở khu vực nông thôn, đây cũng là khu vực có tỷ lệ trẻ em tham gia lao động rất cao (chiếm 18,62% trong dân số trẻ em nông thôn) và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trẻ em tham gia lao động ở khu vực thành thị (7,56%) cho thấy các biện phòng ngừa lao động trẻ em cần hướng vào khu vực nông thôn. Tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế (mọi hình thức) của trẻ em trai cao hơn trẻ em gái.
Sơ đồ phân bố dân số trẻ em 5 - 17 tuổi theo tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của trẻ em (Theo Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em)
Có khoảng 65% trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 55% số lao động trẻ em không được đi học. Tham gia lao động có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng đi học của trẻ em, trung bình các em phải làm việc trên 6 tiếng một ngày, khó khăn về kinh tế của gia đình là nguyên nhân chính buộc trẻ em phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình.
Do vậy các biện pháp phòng ngừa, can thiệp về lao động trẻ em cần hướng vào đối tượng chính là các hộ gia đình và cha mẹ trẻ em.