Tài sản cố định (TSCĐ) đã khấu hao hết nhưng giá trị thực tế của nó còn rất cao, trường hợp công ty muốn mua bảo hiểm tài sản cho TSCĐ này thì lấy giá trị nguyên giá hay phải định giá lại?
Quy định xác định nguyên giá TSCĐ đã hết khấu hao
Căn cứ Điều 5 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định nguyên tắc quản lý TSCĐ như sau:
- Mọi TSCĐ trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng (gồm biên bản giao nhận TSCĐ, hợp đồng, hoá đơn mua TSCĐ và các chứng từ, giấy tờ khác có liên quan). Mỗi TSCĐ phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi TSCĐ.
- Mỗi TSCĐ phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán:
Giá trị còn lại trên sổ kế toán của TSCĐ = Nguyên giá của tài sản cố định - Số hao mòn luỹ kế của TSCĐ
- Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư này.
- Doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý đối với những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh như những TSCĐ thông thường.
Như vậy, trong trường hợp này tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng thì doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý trên sổ sách kế toán như những tài sản cố định thông thường.
Bên cạnh đó tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định xác định nguyên giá của tài sản cố định như sau:
- Nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp chỉ được thay đổi trong các trường hợp sau:
a) Đánh giá lại giá trị TSCĐ trong các trường hợp:
- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
b) Đầu tư nâng cấp TSCĐ.
c) Tháo dỡ một hay một số bộ phận của TSCĐ mà các bộ phận này được quản lý theo tiêu chuẩn của 1 TSCĐ hữu hình.
Khi thay đổi nguyên giá TSCĐ, doanh nghiệp phải lập biên bản ghi rõ các căn cứ thay đổi và xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại trên sổ kế toán, số khấu hao luỹ kế, thời gian sử dụng của TSCĐ và tiến hành hạch toán theo quy định.
⇒ Như vậy, nếu doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không có biến động về sở hữu doanh nghiệp hay đầu tư nâng cấp tài sản, sửa chữa lớn tài sản … thì tài sản cố định không được đánh giá lại giá trị còn lại để tiếp tục trích khấu hao.
Tính giá trị TSCĐ khi hết khấu hao để mua bảo hiểm cho TSCĐ
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản có hai loại: Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị và hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị.
- Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị thì giá trị tài sản mua bảo hiểm là giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Khi thực hiện bồi thường thì đơn vị bảo hiểm chỉ bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại.
- Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị tức số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Khi bồi thường đơn vị bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
=> Tức là số tiền bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng (không xác định dựa trên nguyên giá của tài sản đó hay giá trị còn lại của tài sản đó).