Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật luật sư

Chủ đề   RSS   
  • #158576 01/01/2012

    LUATSUNGUYEN
    Top 25
    Male
    Lớp 10

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:20/01/2011
    Tổng số bài viết (2124)
    Số điểm: 14426
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 742 lần


    Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật luật sư

    I. Một số quy trình công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư ở các nước trên thế giới

    Theo thông lệ trên thế giới hiện nay, một người muốn được hành nghề luật sư phải qua hai bước : được công nhận là luật sư và được cấp phép hành nghề luật sư . Phổ biến hiện nay có bốn mô hình sau đây để thực hiện hai bước đó:

    1.Tòa án tối cao công nhận luật sư – Hiệp hội luật sư cấp phép hành nghề ( Xingapor, Hồng Kông, Anh… ).

    2. Hiệp hội luật sư công nhận luật sư – Tòa án tối cao cấp phép hành nghề ( một số Bang của Mỹ… ).

    3. Hiệp hội luật sư vừa công nhận luật sư vừa cấp phép hành nghề :

    -  Hàn Quốc : người có đủ tiêu chuẩn đăng ký với Liên đoàn luật sư thì được công nhận là luật sư và được phép hành nghề luật sư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền yêu cầu Liên đoàn luật sư hủy bỏ việc đăng ký nếu thấy người đó không đủ tiêu chuẩn.

    - Thái Lan : Ủy ban Điều hành của Hiệp hội luât sư Thái Lan công nhận và cấp phép hành nghề luật sư. Trong thành phần của Ủy ban có đại diện Bộ Tư pháp.

    4.  Hội đồng công nhận luật sư gốm có một số thẩm phán, đại diện Bộ Tư pháp, một số luật sư ( New South Wales ) công nhận là luật sư  ; hoặc Hội đồng thi gồm có thẩm phán, luật sư, giáo sư luật  ( Pháp ) chứng nhận khả năng hành nghề luật sư  – Hiệp hội luật sư cấp phép hành nghề ( bằng hình thức Hội đồng luật sư Bang cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc đăng ký vào danh biểu luật sư của Đoàn luật sư).

    II. Quy trình công nhận luật sư và cấp phép hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay

    Theo quy định của Luật Luật sư 2006 thì một người đủ tiêu chuẩn ( theo quy định tại Điều 10 ) muốn được công nhận là luật sư và được phép hành nghề luật sư phải qua các bước sau đây:

    - Được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    - Đăng ký gia nhập Đoàn luật sư và được Liên đoàn luật sư Việt Nam (LĐLS) cấp Thẻ luật sư;

    - Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương.
    Có thể đưa ra một số nhận xét về quy trình này như sau :

    1.Theo quy trình này thì không có sự phân chia hai bước công nhận luật sư và cấp phép hành nghề luật sư. Việc được công nhận là luật sư và đươc phép hành nghề luạt sư xảy ra cùng một thời điểm khi được LĐLS cấp Thẻ luật sư. Quy trình này dẫn đến một hệ quả là chỉ có luật sư hành nghề tự do , mà không có luật sư làm việc trong các môi trường khác như trong các trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước, trong các cơ quan nhà nước (luật sư công-publish lawyer)  hoặc trong các trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức xã hội, được tuyển trực tiếp vào làm việc cho các doanh nghiệp … như ở một số nước khác. Quy trình này làm thu hẹp phạm vi hoạt động của luật sư đồng thời làm hạn chế số lượng luật sư. Trong thực tế hiện nay, có nhiều người đã được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng không gia nhập Đoàn luật sư và không được cấp Thẻ luật sư vì lý do được tuyển vào cơ quan nhà nước hoặc vì lý do khác mà không muốn hoặc không thể hành nghề luật sư tự do được.Những người này tuy đã đủ trình độ,khả năng hành nghề luật sư nhưng lại chưa được mang danh luật sư và chưa đươc làm việc với tư cách là luật sư, trong khi các trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước, các cở quan nhà nước, các tổ chức khác đang rất cần có luật sư của mình.

    2. Ý nghĩa của “Chứng chỉ hành nghề luật sư” không rõ ràng và có điểm chưa hợp lý, cụ thể là:

    - Về hình thức, tên gọi “Chứng chỉ hành nghề luật sư “ là chưa chính xác, bởi vì xét về ngữ nghĩa thì người được cấp chứng chỉ này phải được phép hành nghề luật sư; tuy nhiên theo quy định của Luật Luật sư thì Chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ là một trong những điều kiện để được phép hành nghề luật sư; khi đã có Chứng chỉ hành nghề luật sư còn phải gia nhập Đoàn luật sư và được Liên đoàn luật sư cấp Thẻ luật sư thì mới được phép hành nghề luật sư. Ở một số nước “Chứng chỉ hành nghề luật sư” (practising certificate) được cấp cho một người sau khi người đó đã được công nhận là luật sư và có ý nghĩa là một giấy phép hành nghề.

    - Về mặt nội dung, theo quy định của Luật Luật sư thì người muốn được cấp Chứng chỉ hành nghề phải có các điều kiện sau đây : có phẩm chất đạo đức tốt; có bằng cử nhân luật; đã được đào tạo nghề luật sư; đã qua tập sự hành nghề luật sư; có sức khỏe. Trong các điều kiện này, nếu loại trừ điều kiện về đạo đức và sức khỏe , thì những điều kiện còn lại chính là những điều kiện đánh giá khả năng hành nghề luật sư để được công nhận là luật sư theo quy định phổ biến hiện nay trên thế giới.  Như vậy trong những điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có những điều kiện để được công nhận là luật sư và cả một số điều kiện để được cấp phép hành nghề luật sư. Trong khi đó, theo quy định của Luật luật sư thì Chưng chỉ hành nghề luật sư vừa không phải là giấy tờ công nhận là luật sư và cũng không phải là giấy phép hành nghề luật sư. Đây là điểm rất không hợp lý.Mặt khác,theo quy định của Luật Luật sư thì ngay trước khi được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, người đề nghị cấp chứng chỉ còn phải được Bộ Tư pháp cấp “Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành  nghề luật sư”. Xét về nội dung kiểm tra và thời điểm kiểm tra thì đây chính là kỳ thi đánh giá về khả năng hành nghề luật sư để công nhận là luật sư theo quy định của một số nước.

    Vì vậy nên cân nhắc việc nhập “Chứng chỉ hành nghề luạt sư” và “Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư” thành một loại giấy tờ chứng nhận đủ khả năng hành nghề luật sư ( hoặc công nhận là luật sư).  

    3. Theo quy định của Luật Luật sư hiện hành thì có thể hiểu Thẻ luật sư do LĐLS cấp vừa có ý nghĩa công nhận luật sư vừa là giấy phép hành nghề luật sư,bởi vì chỉ khi một người đã được cấp Thẻ luật sư thì người đó mới được mang danh luật sư và được hành nghề luật sư; trong hoạt động hành nghề luật sư chỉ cần xuất trình Thẻ luật sư là đủ, mà không phải xuất trình Chứng chỉ hành nghề luật sư.Điều lệ LĐLSVN lại quy định Thẻ luật sư “là giấy chứng nhận tư cách thành viên của ĐLS và thành viên của LĐLS”. Như vậy, Thẻ luật sư vừa làm chức năng là thẻ hội viên,vừa có ý nghĩa là giấy tờ công nhận luật sư và cho phép hành nghề luật sư.Ở đây có điểm chưa hợp lý là mặc dù Thẻ luật sư có ý nghĩa quan trọng như vậy nhưng việc cấp Thẻ luật sư lại phụ thuộc hoàn toàn vào Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp;bởi vì theo quy định của Luật Luật sư thì một người muốn gia nhập Đoàn luật sư để được cấp Thẻ luật sư chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề luật sư mà không cần điều kiện nào khác.

    III. Một số phương án cho quy trình công nhận luật sư và cấp phép hành nghề luật sư

    Căn cứ vào kết quả phân tích quy trình  công nhận, cấp phép hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể đưa ra một số phương án để lựa chọn khi sửa đổi,bổ sung Luật Luật sư.Những phương án này được xây dựng dựa trên quan điểm phân rõ hai nội dung công nhận luật sư và cấp phép hành nghề luật sư.

    1.    Phương án một : Nhà nước công nhận luật sư – LĐLS cấp phép hành nghề luật sư

    Theo phương án này, Bộ Tư pháp tổ chức kỳ thi đánh giá khả năng hành nghề luật sư cho những người đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư (luật sư tập sự) và những người được miễn tập sự ( đề nghị bổ sung quy định những người thuộc diện được miễn tập sư hành nghề luật sư nếu muốn trở thành luật sư cũng phải tham gia kỳ thi này); thành phần Hội đồng thi gồm có đại diện Bộ Tư pháp,thẩm phán, luật sư. Những người đỗ kỳ thi này được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ luật sư. Chứng chỉ luật sư được coi là giấy tờ công nhận là luật sư.

    Sau khi được cấp Chứng chỉ luật sư, các luật sư có thể đươc tuyển vao làm việc tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý,cơ quan nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác theo biên chế hoặc hợp đồng lao động;hoặc lựa chọn hành nghề luật sư tự do.

    Những người lựa chọn hành nghề luật sư tự do phải gia nhập một Đoàn luật sư để được LĐLS cấp Thẻ luật sư.Thẻ luật sư được coi là giấy phép hành nghề luật sư (hành nghề tự do).

    Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp.

    Phương án này có điểm thuận lợi là không phải sửa đổi nhiều Luật Luật sư hiện hành; bởi vì chỉ cần nhập “Giấy chứng nhận kết quả tập sự hành nghề luật sư” với “Chứng chỉ hành nghề luật sư” để có Chứng chỉ luật sư cũng vẫn do Bộ Tư pháp cấp, nhưng mang ý nghĩa là giấy công nhận luật sư.

    2. Phương án hai : LĐLS công nhận luật sư – Nhà nước cấp phép hành nghề luật sư

    Theo phương án này,LĐLS tổ chức kỳ thi đánh giá khả năng hành nghề luật sư cho những người đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư (luật sư tập sự)và những người được miễm tập sụ hành nghề .Thành phần Hội đồng thi gồm có đại diện LĐLS,đại diện Bộ Tư pháp,thẩm phán,luật sư.Những người đỗ kỳ thi này được LĐLS cấp Chứng chỉ luật sư.

    Cũng như ở phương án một,các luật sư có thể được tuyển vào làm việc cho các cơ quan,tổ chức nhà nước hoặc xã hội;hoặc lựa chọn hành nghề luật sư tự do.

    Những người lựa chọn hành nghề luật sư tự do phải gia nhập một Đoàn luật sư và phải được cơ quan quản lý nhà nươc cấp giấy phép hành nghề luật sư.

    Theo quy định của Luật Luật sư thì hiện nay, luật sư muốn được hành nghề phải được cơ quan quản lý nhà nước về hành nghề luật sư cấp 03 loai giấy tờ sau đây:

    -Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (do Bộ Tư pháp cấp);

    -Chứng chỉ hành nghề luật sư (do Bộ Tư pháp cấp);

    -Giấy đăng ký hoạt động (do Sở Tư pháp cấp cho Tổ chức hành nghề luật sư hoặc cho luật sư hành nghề với tư cách cá nhân);

    Ý nghĩa của Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sư hành nghề luật sư và Chứng chỉ hành nghề luật sư đã được phân tích ở trên. Còn lại Giấy đăng ký hoạt động, xét về nội dung và thủ tục đăng ký thì có thể coi đây là một loại giấy phép hành nghề cấp cho các luật sư ( thông qua tổ chức hành nghề hoặc cho cá nhân luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ).

    Do đó, theo phương án này có thể giữ lại thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp và coi đây là việc cấp phép hành nghề của cơ quan quản lý nhà nước.

    Hoặc, cũng theo phương án này,có thể giao cho Bộ Tư pháp cấp Giấy phép hanhg nghề cho các luật sư;  còn việc đăng ký hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư sẽ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp (bỏ hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân).

    Phương án này có những điểm thuận sau đây :

    Thứ nhất, việc giao cho Tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luât sư (LĐLS) đánh giá khả năng hành nghề luật sư để công nhận luật sư là thỏa đáng; bởi vì Tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư (các ĐLS và LĐLS) trực tiêp quản lý, thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn người tập sự hành nghề ( luật sư tập sự-đề nghị lấy lại quy chế “luật sư tập sự của Pháp lệnh luật sư 2001), nên có thể đánh giá chính xác về trình độ chuyên môn, phẩm chật đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của các luật sư tập sự. Điều này góp phần bảo đảm tốt hơn chất lượng của đội ngũ luật sư được công nhận, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư trong việc quản lý đội ngũ luật sư.

    Thứ hai, nếu trong phương án này thực hiện coi việc đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân của Sở Tư pháp hiện nay là việc cấp phép hành nghề, thì sẽ giảm bớt được một công đoạn trong quy trình công nhận và cấp phép hành nghề luật sư; đồng thời tạo điều kiện để Bộ Tư pháp tập trung vào quản lý vĩ mô.

    3. Phương án ba : Hội đồng Công nhận luật sư ( gồm có đại diện Bộ Tư pháp Tòa án Tối cao và LĐLS ) công nhận luật sư – LĐLS cấp phép hành nghề luật sư.

    Hội đồng Công nhận luật sư là Hội đồng cấp quốc gia,độc lập,có con dấu riêng,do Thủ tướng hoặc có thể do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập.Hội đồng Công nhận luật sư tổ chức kỳ thi cho những người đã qua thỡi gian tập sự hành nghề luật sư (luật sư tập sự) và những ngườ được miễn tập sự.Những người đạt yêu cầu của kỳ thi sẽ được Hội đồng cấp Chứng chỉ luật sư (công nhận là luật sư).

    Cũng như ở phương án 1 và 2, những người được Hội đồng công nhận luật sư cấp Chứng chỉ luật sư thì được mang danh là luật sư và có thể được tuyển vào làm việc cho cỏ quan, tổ chức có nhu cầu, hoặc lựa chọn hành nghề luật sư tự do.

    Những luật sư muốn hành nghề tự do phải gia nhập một Đoàn luật sư và được LĐLS cấp Thẻ luật sư. Thẻ luật sư do LĐLS cấp được coi là giấy phép hành nghề luật sư.

    Phương án này có những điểm thuận sau đây :

    Thứ nhất, việc giao cho Hội đồng công nhận luật sư tổ chức thi công nhận luật sư sẽ khách quan hơn, đồng thời góp phần nâng cao ý nghĩa của việc công nhận luật sư và vị thế của luật sư;

    Thứ hai, việc giữ lại thẩm quyền cấp Thẻ luật sư của LĐLS và coi đó là giấy phép hành nghề sẽ giúp không phải sửa đổi Luật Luật sư hiện hành về quy định này.

    Luật sư Nguyễn Văn Thảo
    Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam

    Luật sư: NGUYỄN VĂN NGUYÊN

    CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

    http://dichvutuvanluat.com - http://dichvuluatsu247.com

    Hotline: 0987.756.263/0947.347.268

    ĐT: 04.8585 7869

     
    5152 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận